Nên hay không nên mang vòng hoa tới đám tang?

(VOV) -Tỉnh Bình Dương vừa ra quy định cán bộ, viên chức Nhà nước không mang vòng hoa đi viếng tang.

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành văn bản quy định các cơ quan, đoàn thể, cán bộ công chức không được mang vòng hoa khi viếng đám tang để tránh lãng phí. Quy định này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Theo ông Nguyễn Khoa Hải - Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Dương, quy định này không cấm người dân mà chỉ khuyến khích người dân hạn chế viếng lễ tang bằng vòng hoa và câu đối, bức trướng đắt tiền mang tính phô trương, lãng phí.

Riêng đối với cán bộ, viên chức Nhà nước và người thân viên chức, khi từ trần, các cơ quan, đoàn thể, cán bộ công chức không mang vòng hoa đi viếng tang.

Quy định này nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân. Ông Nguyễn Văn Bân, tổ trưởng tổ dân phố 18A, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng nếu có thêm nhiều địa phương học tập Bình Dương thì sẽ tránh được tình trạng lãng phí: “Việc này, nhân dân mà thực hiện sẽ giảm bớt được tình trạng lãng phí, vì hoa nhiều cuối cùng mang ra cũng vứt bỏ, mà mỗi vòng hoa từ 200.000 – 300.000 trở lên. Đây cũng là lãng phí cho gia đình”.

Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng, không nên cấm cán bộ, viên chức viếng vòng hoa, câu đối trong đám tang. Theo lý giải của những người này, đây là truyền thống văn hóa lâu đời, là nét đẹp để bày tỏ tình cảm của người sống với người đã chết.

Ông Phạm Cao Thượng - Phòng tín dụng, ngân hàng Liên Việt (Hà Nội) nêu ý kiến: “Tôi cho rằng cấm viếng đám tang bằng vòng hoa là không nên. Vì vòng hoa là biểu tượng giá trị tinh thần, đây là việc làm nhân văn mà từ trước đến giờ đã tồn tại rất lâu năm. Với một con người khi chết đi, vòng hoa, câu đối viếng là thể hiện tình cảm của làng xóm, bạn bè, đồng nghiệp với người đã chết để làm ấm lòng người còn sống”.

Từ trước tới nay, việc viếng đám tang có nên hay không nên mang vòng hoa chưa có nơi nào quy định, mà phần lớn xuất phát từ tâm, từ suy nghĩ của mỗi người và nó bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Viếng và chia buồn với gia quyến, bày tỏ tình cảm với người đã mất không chỉ mang tính nhân văn, mà còn thể hiện nét đẹp trong văn hoá ứng xử giữa con người với nhau. Chỉ có điều làm sao để nét đẹp này được gìn giữ, không bị lạm dụng đẩy lên tới mức thái quá, sẽ dẫn tới sự lãng phí không cần thiết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên