Nghĩ về nghề báo

Rất nhiều nhà báo hưu trí không làm cộng tác viên, nhưng vẫn viết báo. Họ viết là để tồn tại. Với họ, nhà báo không có hưu!

Hơn 17.000 nhà báo của 86 triệu dân Việt đang hành nghề trong nước và nhiều nơi trên thế giới đã là niềm vui, niềm tự hào phát triển trong thời đại công nghệ thông tin mạnh như vũ bão.

Hàng năm số hội viên Nhà báo mới được bổ sung nhiều hơn số hội viên hưu trí. Nhưng khoảng trống này khó lấp đầy bởi các nhà báo lớn tuổi đời thường nhiều tuổi nghề, kinh nghiệm dạn dày, bút lực còn sung mãn.

Nhà báo lão thành Phan Quang (đứng phát biểu), một cây bút không mệt mỏi, tại cuộc gặp mặt cộng tác viên của báo điện tử VOV
Trong cuộc hội thảo về cố nhà báo lão thành Trần Lâm – cây đại thụ của ngành Phát thanh -  tại trụ sở Trung ương Hội nhà báo Việt Nam mới đây, giáo sư Mai Quốc Liên nói với tôi: “Đã là nhà báo, nhà văn thì không có tuổi hưu.” Tôi và nhiều đồng nghiệp xiết chặt tay anh không chỉ vì câu nói hay trong ngày mà bởi sẻ chia, đồng cảm.

Nhớ lúc cầm sổ hưu, nghe thông báo phải trả lại thẻ nhà báo, nhiều người rưng rưng, có người muốn giữ làm kỷ niệm của một thời không thể nào quên. Chẳng lẽ nghỉ hưu là không làm báo nữa ư? Tự hỏi mình và nhiều, rất nhiều nhà báo lớn tuổi, đáng kính, đáng quý đã hỏi nhau như thế. Một số nhà báo đã thành danh như Hữu Thọ, Phan Quang được mời viết báo. Nhiều nhà báo nghỉ hưu, nhưng còn sức lực và bút lực đã làm cộng tác viên cho các tờ báo. Nói là làm cho vui, cho đỡ nhớ nghề, nhưng sức nặng là có thêm thu nhập. Bởi lương hưu của nhà báo chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống mà thôi. Rất nhiều nhà báo hưu trí không làm cộng tác viên, nhưng vẫn viết báo.

Họ viết vì đã mang cái nghiệp vào thân. Họ viết vì không thể im lặng chấp nhận những điều sai trái làm vấy bẩn cuộc sống. Họ viết vì lương tâm. Họ viết vì khát khao được sống. Tôi biết có nhiều nhà báo tuổi đã cao, nhưng vừa viết báo, vừa viết văn đều đều. Mười năm nghỉ hưu, nhà báo, nhà văn Phan Quang cho ra tuyển tập gần nghìn trang sách. Trong đó ngồn ngộn sức sống của đời, của nghề, của quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Họ viết là để tồn tại. Với họ, nhà báo không có hưu.

Tôi biết, Hà Nội có Chi hội nhà báo Hưu trí do nhà báo Hồng Lĩnh đăm đắm với nghề, tâm huyết với đồng nghiệp gây dựng. Tôi cũng biết có nhiều nơi, nhiều tờ báo lớn chưa có chi hội này. Đến ngày 21/6 đáng nhớ, nhớ nhau thì gọi điện thăm hỏi sức khỏe. Không có Hội, không có nơi, không có chỗ để gặp gỡ, chia sẻ. Theo tôi trong hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam nên quan tâm đến thực trạng này.

Trong Luật Báo chí Việt Nam nên có chỗ cho nhà báo không biên chế. Không nên sợ họ hành nghề lung tung, không kiểm soát được theo kiểu “báo quốc doanh”. Họ phải tuân thủ Luật Báo chí và luật pháp Việt Nam, cũng như công ước quốc tế về báo chí.

Hàng năm, chúng ta có Giải báo chí Quốc gia, Liên hoan Phát thanh, Truyền hình toàn quốc, các giải báo chí dành cho các ngành, các chuyên đề, nhưng thiếu một Giải lớn, tôn vinh xứng đáng cho những người làm báo hết mình, hết lòng với đất nước, vì nhân dân.

Theo tôi, 2 năm, hoặc 5 năm một lần nên tổ chức xét tặng các tác phẩm, tác giả xứng đáng với giải thưởng báo chí mang tên Nhà báo Nguyễn Ái Quốc. Đây là dịp để tôn vinh cả một giai đoạn, cả một đời làm báo của những nhà báo chân chính./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên