Người chắp cánh cho những tài năng Sinh học

Đó là cô Lê Thị Dung, giáo viên chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Thương hiệu “Cô Dung dạy Sinh”

Chắc chắn những ai đã từng học ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nói chung và học chuyên Sinh ở ngôi trường danh tiếng này đều biết tiếng cô Lê Thị Dung nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi. Với thành tích, có thể nói là niềm mơ ước của đa số giáo viên, đơn cử như: Bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học đạt 36 giải quốc gia, 6 giải quốc tế, liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, người tốt việc tốt cấp thành phố và được tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT, của UBND Thành phố Hà Nội....  

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao Bằng khen của UBND Thành phố cho cô Dung trong Lễ Tuyên dương khen thưởng nhà giáo tiêu biểu Thủ đô

Với thành tích đó, theo cô Dung: “Tôi là người may mắn!”. Những “may mắn” của cô Dung là: Chồng cô - thầy Nguyễn Kim Nghĩa, giáo viên chuyên Lý thuộc thế hệ đàn anh của cô tại trường Amsterdam, người luôn biết chia sẻ, cảm thông và cũng rất thẳng thắn trong những góp ý, đánh giá, kể cả trong cuộc sống gia đình lẫn trong công việc. Bên cạnh đó, cô may mắn được làm việc trong một môi trường mà mới nghe tên, người ta đã có sự tin tưởng vào chất lượng giảng dạy và nhân cách người thầy.

Thầy Đỗ Bá Khôi, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam: “Bây giờ tìm được những người có “thương hiệu xịn” như cô Lê Thị Dung khó lắm. Cô Dung là một giáo viên say sưa cống hiến, toàn tâm toàn ý với học trò. Với đồng nghiệp, cô luôn nhiệt tình, hoà đồng. Trong công việc cô luôn thẳng thắn, không né tránh, làm việc hết mình vì nhà trường, vì học trò. Cô Dung thường có những phát biểu, đề xuất hữu ích cho việc cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy”.

Trong ngôi trường Amsterdam, cô Dung được Ban Giám hiệu và đồng nghiệp tận tình giúp đỡ, chia sẻ khó khăn ngay từ những ngày đầu mới về trường. Hơn nữa, là giáo viên trẻ, mới 30 tuổi, vào dạy trường chuyên, theo thói thường thời đó, phụ huynh học sinh thường khó ủng hộ. Nhưng bằng tình yêu nghề, sự tận tâm trong công việc, đặc biệt là chuyên môn vững nên cô Dung nhanh chóng được cả phụ huynh và học sinh tin tưởng, ủng hộ, tạo mọi điều kiện để cả cô, trò cùng nhau dạy và học tốt nhất có thể.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung thời đó, cô Dung cũng từng phải đi dạy thêm ở các trung tâm để tăng thu nhập. Nhưng trong những lúc như thế, vẫn có nhiều học trò được cô chủ động dạy thêm không lấy tiền.

Trước đây, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam còn khó khăn hơn bây giờ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Với đặc trưng môn sinh học luôn cần có thực hành, nhưng phòng thực hành, thí nghiệm nhà trường chưa thể đáp ứng được, cô Dung đã chủ động sáng tạo đồ dùng dạy học.   

Kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Dung cho rằng: “Giáo viên dù giỏi đến đâu, điều quan trọng nhất, muốn có thành quả, trước hết phải biết phát hiện ra được học trò có năng lực thực sự để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các em”.

Nhìn chung, cốt lõi là phải dạy được các em cách học, các tư duy trước một tình huống, một bài tập, vấn đề nào đó. Cô Dung nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là giáo viên phải định hướng cho các em cách tìm tài liệu và học từ những cuốn sách để có kiến thức cơ bản trước khi nâng cao. Sau đó, hướng dẫn các em xây dựng đề cương học tập và theo dõi hướng dẫn các em học. Giáo viên phải khơi dạy được tinh thần ham học, chủ động trong học tập và không ngừng học của các em. Tất nhiên, các thầy cô phải là tấm gương về học tập cho các em!”

Khi giảng bài, cô Dung vẫn thường nhắc học trò: “Các em dù học gì cũng vẫn phải dành thời gian theo dõi cập nhật thời sự xã hội, dành thời gian giao tiếp xã hội, thư giãn, tập thể dục, vừa để học hỏi kiến thức cuộc sống, vừa rèn luyện sức khoẻ”.

Riêng về môn Sinh học, cô Dung bảo: “Cái khó nhất là ở ta thiếu thiết bị thực hành, thí nghiệm nên trong các cuộc thi quốc tế, đa số các em thua đối thủ ở khả năng thực hành”.

Bí quyết tăng hiệu quả giáo dục, đào tạo của cô Dung là: Ngoài kiến thức chuyên môn, cần giáo dục các em về văn hóa, lối sống qua những câu chuyện kể ngắn gọn, cô đọng lấy từ thực tiễn cuộc sống hằng ngày. Như thế, vừa giảm căng thẳng cho học sinh, dễ tiếp thu bài và thấy cuộc sống có giá trị hơn.

Tình cảm của học trò là món quà quý nhất!

Với cô Dung, sau hơn 30 năm làm nhà giáo, “món quà quý nhất tôi nhận được và sẵn lòng nhận, là tình cảm chân thành giữa tôi và học trò”.

Cô Dung cùng chồng tại nhà riêng

Nói về đời tư, cô bảo: “Tôi hạnh phúc và hài lòng với gia đình mình. Hai con đều chăm ngoan, học giỏi. Cháu lớn đang du học chuyên ngành kinh tế bên Mỹ. Cháu thứ hai đang học lớp 10 chuyên Sinh tại trường THPT Chuyên Hà Nội -  Amsterdam, dự kiến sẽ thi đại học ngành Y. Tuy nhiên, tôi tiếc là các con không theo nghề của cha mẹ”. Đồng thời, cô Dung cũng trăn trở rằng, lẽ ra ngành sư phạm phải có nhiều học sinh giỏi theo học để tương lai có những thầy giáo, cô giáo giỏi. Nhưng thực tiễn ngược lại, người giỏi ít vào sư phạm, có thể vì lương thấp, đãi ngộ không xứng đáng.

Hiện tại, cô Lê Thị Dung đang được nhà trường làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú./.

Cựu học sinh Nguyễn Thị Giang Lam, một trong số những học trò khoá 1988-1991, khoá đầu tiên do cô Dung chủ nhiệm tại trường Amsterdam, hiện đang công tác trong một công ty Dược tại Hà Nội, nhớ lại: “Không bao giờ những học trò chúng tôi quên cô Dung. Mặc dù khi chủ nhiệm lớp tôi, cô còn rất trẻ, nhưng ngoài chuyên môn vững, thái độ và cách ứng xử của cô luôn khiến chúng tôi nể trọng. Bên cạnh đó, cô luôn có sự quan tâm, chia sẻ tới chúng tôi vừa như một người mẹ, người chị. Cô luôn dành thời gian dạy thêm cho chúng tôi ngoài giờ nhưng nhất định không lấy công. Chúng tôi luôn tin tưởng ở cô, và thường nhận được những lời khuyên bổ ích của cô”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên