Người đẹp, áo dài, và sự lúng túng

Câu chuyện người đẹp Mai Phương Thúy khoe vẻ đẹp của mình trong bộ áo dài đã trở thành điểm “nóng” văn hóa trên mặt bằng báo chí vừa qua.

Đường cong của cô Thúy “nóng” đến nỗi, ngay giữa mùa lễ hội bộn bề, Bộ VH-TT&DL cũng phải vội ra văn bản để... “nói lại cho rõ”. Giới truyền thông có thể lạc lối vì mục tiêu câu khách, dư luận có thể lạc lối trong sự nhập nhèm về chuẩn mực, đã đành. Ngay cả những người quản lý văn hóa cũng trở nên lúng túng bởi đường cong của cô Thúy?

"Áo dài khoe nét xuân thì" gây nhiều tranh cãi

Chuyện của Thúy có lẽ sẽ chẳng “nóng” đến thế, có lẽ mớ ảnh áo dài của cô sẽ chìm lấp trong mênh mông “vườn cải” của các trang mạng vốn dĩ không thiếu chuyện người đẹp, người xấu “lộ hàng”, hay nói năng gây “sốc”. Người đọc sẽ nhanh chóng lãng quên câu chuyện của Thúy nếu như không có chuyện báo chí đưa tin về những phát ngôn thiếu kìm chế của ông Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL.

Dẫu rằng cơ quan có trách nhiệm cao nhất về quản lý văn hóa đã đưa ra văn bản đính chính rằng: “Về thông tin, Bộ VH-TT&DL đồng ý tước danh hiệu Hoa hậu Mai Phương Thúy”, chúng tôi khẳng định lại một lần nữa, đây không phải là quan điểm chính thức của Bộ…”.

Dẫu rằng trước đó, ông Tô Văn Động, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cũng vội khẳng định lại rằng, thông tin mà báo mạng đưa “Bộ đồng ý tước danh hiệu Hoa hậu Mai Phương Thúy” là không chính xác. Theo ông Động, khi trả lời báo chí ông chỉ nói rằng, theo quan điểm cá nhân ông khi xem bộ ảnh là không đồng tình với một số bức ảnh mà cô Thúy chụp. Nhưng đó chỉ là ý kiến cá nhân, không phải là phát ngôn của Bộ VH-TT&DL. Song, điều đó không đủ để che chắn thực tế là các nhà quản lý văn hóa của chúng ta đã quá lúng túng trước câu chuyện đường cong của cô Thúy.

Bởi ngay văn bản “đính chính”, Bộ VH-TT&DL vẫn cho rằng: “Việc có hay không quyết định tước danh hiệu của Hoa hậu Mai Phương Thúy, Bộ sẽ giao cho một cơ quan chuyên môn thẩm định, xem xét tất cả các điều kiện và sau đó mới có kết luận cuối cùng”.

Như vậy, cho đến lúc này, các nhà quản lý văn hóa vẫn chưa thể kết luận bộ ảnh áo dài của Thúy có phản cảm hay không, cô có xúc phạm tấm áo dài truyền thống của dân tộc khi chụp bộ ảnh đó hay không. Và, để có kết luận cuối cùng, người ta cần sự thẩm định của một cơ quan chuyên môn. Thái độ của Bộ VH-TT&DL thể hiện qua văn bản trên, cho thấy cơ quan này  thực sự lúng túng với câu chuyện của Thúy. Một sự lúng túng đáng bàn.

Bỏ qua khái niệm phản cảm vốn dĩ quá mơ hồ, các nhà quản lý văn hóa của chúng ta chẳng lẽ không thể phân định nổi đâu là giá trị truyền thống mà dư luận đang lo lắng bị cô Thúy chà đạp trong bộ ảnh “áo dài khoe nét xuân thì”?

Có thể nói ngay rằng, cô Thúy dẫu có đẹp hơn nhiều lần đi chăng nữa, dẫu có ý đồ đi chăng nữa (mà thực tế là không khi cô đã có thư gửi cơ quan báo chí khẳng định một cách thuyết phục rằng cô không có ý đó, đồng thời xin lỗi độc giả nếu vì bộ ảnh này mà làm ai đó thấy phản cảm chứ không nghệ thuật), thì cô gái đẹp này cũng không thể, và không có cách nào để khiến cho chiếc áo dài Việt Nam mất đi giá trị truyền thống vốn có của nó. Cái áo là cái áo, người đẹp là người đẹp.

Ở một xã hội đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam, khi mà những chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống đang tỏ ra yếu ớt trước sự xâm lăng của các giá trị mới du nhập thì cảm xúc của công chúng có thể bị lạc lối, có thể bị dẫn dắt bởi các tiêu chí rẻ tiền của giới truyền thông lệch lạc, thì hơn bao giờ hết, các nhà quản lý văn hóa cần tỉnh táo và có khả năng phản ứng nhanh. Tuy nhiên, tỉnh táo và phản ứng nhanh lại đòi hỏi phải trên nền tảng các tiêu chí chuẩn mực.

Nếu như các tiêu chí chuẩn mực về văn hóa, đạo đức thực sự tồn tại như một hành trang cơ bản của các nhà quản lý văn hóa, hẳn dư luận không còn phải chờ đợi “một cơ quan chuyên môn thẩm định, xem xét các yếu tố” mới có thể kết luận rằng đường cong của cô Thúy có phản cảm hay không?

Và nếu như trong hành trang quản lý của các nhà quản lý văn hóa có những tiêu chí chuẩn mực đó, hẳn, họ sẽ tỉnh táo đặt ngược vấn đề: Cái sự phản cảm đang sục sôi trong lòng một số công chúng kia không đến từ đường cong của cô Thúy, cũng như độ mỏng của tấm áo dài, mà nó đến từ chính những trang báo “vườn cải”, từ những ý đồ nhân danh đạo đức và truyền thống để thực hiện việc “ném đá, tạo sóng”?

Và bây giờ, khi “chuyện đường cong của cô Thúy” lắng xuống, sự lúng túng qua đi, nên chăng các nhà quản lý cần quan tâm đến vấn đề: Có hay không hiện tượng xã hội “nhân danh cái tốt, cái đẹp để tấn công nhau” như là một thủ thuật mượn dư luận để phục vụ mục đích riêng và lợi ích nhóm?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên