Nhà giáo: Tâm, Tài và “miếng cơm manh áo”
Có thể khẳng định Tài, Đức và Sức là 3 yếu tố xây dựng nên người thầy và ràng buộc nhau trong mối quan hệ sống còn cho sự nghiệp giáo dục.
Là người Việt Nam, ai cũng biết nghề giáo được tôn vinh là “nghề cao quý”. Lẽ ra, với sự tôn vinh đó, đây phải là nghề “hot” trong đích ngắm của thế hệ trẻ. Nhưng lượng học sinh thi vào ngành sư phạm ngày càng ít dần, thậm chí nhiều khoa sư phạm phải hạ điểm chuẩn nhiều lần vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Thời gian gần đây còn có không ít thầy cô giáo phải bỏ nghề vì “miếng cơm manh áo” khiến xã hội không khỏi thêm lo lắng, xót xa.
Nhà giáo- kỹ sư tâm hồn, góp phần tạo nên tính cách cá nhân từ tuổi thơ |
Thực trạng này càng cho thấy, câu chuyện về nghề giáo và nhà giáo “nóng” đến độ nào cũng chỉ xoay quanh mối quan hệ giữa Nhà giáo và ba chữ: Tài, Đức, Sức!
Tài ...
Trước hết, những nhà giáo chân chính và tất cả những ai cầu thị một nền giáo dục tốt đều muốn chữ “Tài” là một tài sản quý nhất trong hành trang của người thầy để thực hiện sứ mệnh “gieo chữ” cho đời.
Chữ tài ở đây được hiểu là kiến thức cần đủ để thầy giáo có khả năng truyền đạt kiến thức đúng, cập nhật cho học trò. Có lẽ không có thước đo chính xác nào để đo tài của người thầy bằng thước đo của lượng và chất kiến thức mà thầy mang đến cho mỗi học trò sau mỗi tiết học. Thầy có tài còn khiến cả các bậc phụ huynh tự giác tìm đến thầy, đến nhà trường với một mục đích trong sáng, trước hết và cao cả nhất, là gửi con theo học để lĩnh hội được kiến thức làm hành trang vào đời.
GS, TS Trần Hữu Nghị: "Thầy phải có kiến thức xứng đáng để làm thầy" |
Còn cô Lê Thị Dung, giáo viên môn Sinh học, trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam khẳng định: Muốn có học trò giỏi, thầy cô phải giỏi, vì ngành sư phạm cần sự sáng tạo rất nhiều. Thầy không giỏi cũng có thể là vật cản “hãm” sự phát triển khả năng của học trò”. Hơn nữa, theo cô Dung, “một người thầy tài là phải biết phát hiện ra những học trò có năng lực, có tài năng để có cách bồi dưỡng trở thành nhân tài thực sự cho xã hội”.
Đức ...
Thầy Nguyễn Kim Nghĩa, nguyên là giáo viên chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho rằng: “Bên cạnh cái Tài, cái Đức là phần không thể thiếu của người thầy”. Cả đời gắn bó với bục giảng, thầy Nghĩa tâm niệm: “Phải coi học trò như con cháu mình. Thầy phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của học trò. Muốn dạy được học trò nên người, thầy phải là tấm gương về đạo làm người, làm thầy”.
Theo PGS Phạm Hoàng Hiệp, vị PGS của Đại học Sư phạm Hà Nội vừa được phong hàm khi mới 29 tuổi: “Đức làm thầy là cần có sự kiên nhẫn, hiểu được học sinh của mình để có phương pháp giảng dạy phù hợp”. Thầy Hiệp kể: “Tôi từng biết có những thầy giáo ở cấp 2, rất tâm huyết làm việc để đào tạo ra nhiều học sinh giỏi mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Sau này, nhiều người trong số những học sinh thành đạt đó đã quay lại cảm ơn thầy. Theo tôi, học sinh nhớ lâu nhất ở một người thầy giáo là nhân cách”.
Sức ...
“Sức” ở đây được hiểu là sự sống về vật chất cần thiết để duy trì tài và đức của mỗi người thầy.
Thực tế nền giáo dục nước nhà hiện nay, yếu tố “sức” của đội ngũ những người thầy (dĩ nhiên là những người thầy chân chính) có lẽ là “yếu” nhất. Nguyên nhân cốt lõi gắn với đồng lương. Ai cũng thừa nhận, dù Đảng, Nhà nước đã cố gắng rất nhiều, song mức lương cho giáo viên ở nước ta vẫn rất thấp, thấp đến mức không ít thầy cô giáo đã phải bỏ nghề giáo để tìm nghề khác mưu sinh. Còn đa số các thầy cô, ngoài giờ lên lớp vẫn phải làm nhiều nghề để nuôi “nghiệp làm thầy”.
Thầy Nguyễn Kim Nghĩa: "cái Đức là phần không thể thiếu của người thầy” |
Theo lý giải của chính những người trong cuộc, lương thấp là một lý do quan trọng, không thể phủ nhận, khiến “nghề cao quý” bị “tụt hạng” trong mục tiêu lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ.
GS, TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐHDL Hải Phòng trăn trở: “Muốn gì thì gì, phải có thực mới vực được đạo. Chúng ta đòi hỏi ở người thầy phải toàn tâm toàn sức cho sự nghiệp giáo dục, nhưng mức lương quá thấp, các thầy phải bơi ra ngoài mà kiếm sống, tất nhiên thời gian, công sức dành cho bục giảng sẽ giảm sút. Như thế, chất lượng sẽ dần ảnh hưởng”.
Thầy Nguyễn Kim Nghĩa cũng chia sẻ: “Khi nghe thông tin những thầy cô giáo phải bỏ nghề vì lương quá thấp, tôi vừa cảm thông vừa xót xa với đồng nghiệp của mình. Cảm thông vì các thầy cũng là con người. Dù có lý tưởng cao đẹp đến đâu, trước hết thầy phải sống. Trong khi lương không đủ sống, không thể tồn tại được bằng nghề làm thầy thì phải bỏ nghề cũng là một lẽ đương nhiên”.
Bên cạnh đó, PGS Phạm Hoàng Hiệp còn cho rằng: “Theo tôi lượng học sinh đăng ký theo học ngành sư phạm ngày càng ít là do hiện nay xin việc trong ngành này khó mà lương thì thấp”.
Và, nỗi buồn...
Cô Lê Thị Dung: "Tôi lo, đội ngũ giáo viên giỏi nước nhà sẽ ít hơn" |
Chia sẻ quan niệm về vấn đề này, GS Nguyễn Quang Diệu, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Để khuyến khích được học sinh hứng khởi theo học nghề sư phạm, giải pháp trước hết là phải tăng lương, nâng mức sống của giáo viên. Đặc biệt là những giáo viên trong giai đoạn tập sự cần được hưởng toàn bộ 100% lương (thay vì 85%) như những công nhân, viên chức khác”.
GS, TS, NGƯT Trần Hữu Nghị cho rằng, chúng ta có chính sách đầu vào ngành sư phạm khá tốt nhưng chính sách đầu ra chưa tốt. Nếu coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải cho những nhà giáo được thụ hưởng mức sống ưu đãi so với ngành khác. Có thế mới tạo hứng thú người trong nghề và thu hút người tài vào ngành giáo dục. Nếu ngành sư phạm suy giảm sức hút người tài những hậu quả lớn cho xã hội là nhãn tiền.
Bạn Nguyễn Hồng Ngọc, sinh viên Thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm Văn của Đại Đại học Quốc gia Hà Nội, tương lai sẽ thành cô giáo, mong muốn: “Gia đình em làm “nhà giáo gia truyền” ai cũng thấm vì học sư phạm khó xin việc, lương thấp. Nhưng em theo nghề vì gia đình truyền cho tình yêu nghề. Em mong muốn khi ra trường có thể xin được việc và có mức lương đủ để không phải làm nghề tay trái kiếm sống, như thế chắc chắn tình yêu nghề sẽ được nhân lên và bền hơn”./.