Nhiều mô hình giáo dục học tập suốt đời sẽ đến với người dân
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Khuyến học Việt Nam từ nay đến năm 2010
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (nhiệm kỳ 2010-2015) Hội Khuyến học Việt Nam sẽ diễn ra từ 15-17/9/2010 tại thủ đô Hà Nội. Tham gia Đại hội sẽ có sự gần 500 đại biểu đại diện cho các dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học, gương mặt điển hình trong phong trào khuyến học, khuyến tài đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.
Trong cuộc họp báo sáng 29/1 tại Hà Nội, ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Đại hội sẽ đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn từ năm 2010-2015. Trong đó tập trung vào việc xây dựng tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại từng địa phương. Điểm mới của Đại hội lần này là Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ chỉ đạo Hội Khuyến học các địa phương triển khai phong trào giáo dục nghề nghiệp một cách chi tiết, cụ thể. Bên cạnh đó là đưa ra nhiều mô hình giáo dục học tập suốt đời phù hợp với từng trình độ, khả năng của mỗi người như: Giáo dục nghề nghiệp tại gia đình, truyền đạt kiến thức tại trung tâm văn hóa xã, miễn phí và tạo điều kiện học tập cho người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn… Hoạt động này nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, có cơ hội tiếp cận với văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.
Đến nay, phong trào Khuyến học, khuyến tài của Hội Khuyến học Việt Nam đã phát triển nhanh chóng: 100% các tỉnh, thành đều có Hội Khuyến học, Quỹ Khuyến học; hơn 9.000 trung tâm giáo dục cộng đồng với trên 6 triệu hội viên sinh hoạt trong hơn 250.000 chi hội. Tính đến giữa năm 2009, trong cả nước đã có trên 3,3 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học” và hơn 35.000 dòng họ được công nhận là “Dòng họ khuyến học”.
Hàng năm, Quỹ Khuyến học ở các cấp và địa phương dành từ 250-300 tỷ đồng vào các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên giỏi vượt khó, trợ giúp nhiều thầy, cô giáo gặp hoàn cảnh khó khăn… Từ năm 2005-2008, cả nước đã huy động được trên 163.000 người ra lớp học xoá mù chữ và trên 123.000 người tiếp tục theo học các lớp giáo dục sau khi biết chữ, giúp cho gần 200.000 người học nghề ngắn hạn./.