Nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn về việc tiêm vaccine cho học sinh
VOV.VN - TP Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ trẻ từ 12-17 tuổi. Nhưng đến nay vẫn còn nhiều phụ huynh băn khoăn về việc có nên tiêm vaccine cho con hay không.
UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố năm 2021-2022. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi từ 12-17 (bao gồm cả trẻ đi học hoặc không đi học) có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Thành phố triển khai tiêm cho trẻ ngay khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế.
Việc triển khai theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch của thành phố.
Là phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng, chị Nguyễn Tuyết Mai (Gia Lâm, Hà Nội) còn nhiều băn khoăn về việc tiêm vaccine Covid-19 cho con gái 17 tuổi. Chị Mai cho biết, nhà trường đã thông báo để phụ huynh đăng ký tiêm phòng cho con, nhưng chị đã quyết định sẽ không tiêm.
“Gia đình vẫn băn khoăn nên chưa đăng ký tiêm cho con. Bởi các con đang trong độ tuổi dậy thì, cơ thể vẫn đang phát triển, nên tôi khá lo ngại khi tiêm cho con 1 loại vaccine mới. Bên cạnh đó, sức khỏe của con cũng rất tốt, tôi cho rằng với trẻ có sức đề kháng, kết hợp với việc tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng chống dịch sẽ hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh. Gia đình tôi vẫn sẽ tiếp tục theo dõi việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ, có thể sau này khi đã có những nghiên cứu cụ thể hơn về tác động của vaccine với trẻ nhỏ tôi sẽ đăng ký tiêm cho con sau”, chị Mai cho biết.
Chị Tuyết Mai cũng cho rằng, hiện nay nhiều phụ huynh còn chung băn khoăn về việc tiêm vaccine cho học sinh, tuy nhiên trường con chị đang theo học cũng như nhiều trường phổ thông khác tại Hà Nội mới chỉ dừng lại việc cho phụ huynh đăng ký tiêm hay không tiêm mà chưa có khảo sát lý do tại sao không tiêm.
“Phụ huynh vẫn còn những e ngại, tôi hy vọng bên cạnh việc đăng ký có hay không tiêm, các trường nên hỏi tại sao không tiêm để biết được những tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, từ đó có phản hồi ngược lại với Sở GD-ĐT, Sở Y tế. Nếu ngành Y tế có thể giải đáp những băn khoăn này của phụ huynh học sinh, tôi tin rằng việc tiêm vaccine cho học sinh sẽ thuận lợi hơn”, chị Tuyết Mai cho biết.
Có con đang học lớp 8, chị Trần Thanh Vân (Hoàng Mai) Hà Nội cũng đã quyết định sẽ không tiêm vaccine cho con. “Hiện tại, việc quyết định cho trẻ trở lại trường học căn cứ trên tình hình dịch bệnh của địa bàn. Chỉ các khu vực dịch bệnh đã được kiểm soát, đảm bảo an toàn học sinh mới đi học lại. Còn trong thời gian học trực tuyến tại nhà, các con hạn chế tiếp xúc, đảm bảo các quy định giãn cách nên nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn người lớn phải đi làm hàng ngày. Hơn nữa, con đang trong độ tuổi phát triển, nên tôi vẫn băn khoăn về việc có thể có những ảnh hưởng lâu dài với trẻ”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Đông) vừa đăng ký cho con học lớp 10 tiêm vaccine theo thông báo của trường cho biết, bản thân chị vẫn có những lo ngại nhất định vì đây là vaccine mới. Tuy nhiên chị Hiền cũng tin tưởng vào hướng dẫn của ngành Y tế.
“Việc tiêm vaccine trên diện rộng cho trẻ em là một quyết định quan trọng, tôi nghĩ rằng ngành y tế đã có những nghiên cứu và cân nhắc kỹ, quyết định tiêm những loại vaccine được cho là an toàn và phù hợp nhất với trẻ. Việc tiêm vaccine cũng sẽ bảo vệ trẻ tốt hơn. Với các con bậc THPT đã biết lo lắng và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Khi được thông báo tiêm vaccine, bản thân các con cũng tự tìm hiểu, một số thông tin trên mạng khiến con hoang mang, lo lắng. Tôi cũng đã phải động viên, trấn an tinh thần con để con đăng ký tiêm với tâm lý thoải mái nhất”, chị Hiền nói.
Trước đó, về việc triển khai tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học. Hiện một số địa phương đã thực hiện tiêm vaccine cho học sinh, như TP.HCM với khoảng 305.000 học sinh, Bình Dương là 42.330, Ninh Bình 32.938 học sinh.
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tiêm vaccine cho trẻ theo hình thức chiến dịch, thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ. Việc tiêm chủng chủ yếu thực hiện tại các trường học, trẻ không đi học thì tiêm tại trạm y tế, trẻ có bệnh nền tổ chức tiêm tại trung tâm y tế, bệnh viện để có những xử trí phù hợp…
Còn theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội hiện CDC Hà Nội đã lên danh sách khoảng 700.000-850.000 trẻ trong diện cần tiêm chủng. Có hai phương án triển khai tiêm. Nếu học sinh đi học đầy đủ, Hà Nội sẽ tiêm cho trẻ tại trường học. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp, thành phố sẽ triển khai tiêm tại cộng đồng.
Ông Tuấn cũng cho rằng, dự kiến chiến dịch tiêm chủng cho trẻ sẽ ít thuận lợi hơn so với người lớn do trẻ thường sợ bác sĩ, có hiệu ứng dây chuyền, cần người nhà đi cùng chăm sóc dẫn tới tăng số lượng người đến địa điểm tiêm chủng. Vì vậy, để tiêm việc tiêm chủng cho trẻ đạt hiệu quả và bảo đảm an toàn, cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, phương án để tiêm cho trẻ an toàn ngay tại trường học... Trẻ cần được chuẩn bị tâm lý trước và trong khi tiêm. Phụ huynh nên động viên, trấn an trẻ để tránh tâm lý lo sợ./.