Nhiều trường Đại học tổ chức thi đánh giá năng lực: Nên mừng hay lo?

VOV.VN - Học sinh và đại diện nhiều trường THPT tại TP HCM phấn khởi khi nghe thông tin này. 

Năm nay, bên cạnh kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học quốc gia TP HCM, nhiều trường Đại học trên địa bàn cũng đồng loạt tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng.

Lý do các trường đưa ra là mong muốn tạo thêm cơ hội vào Đại học cho thí sinh, tăng tính chủ động trong tuyển sinh và sàng lọc nguồn sinh viên đầu vào theo yêu cầu của ngành nghề đào tạo.

Nhiều trường Đại học tổ chức thi đánh giá năng lực - Nên mừng hay lo?

Học sinh và đại diện nhiều trường THPT tại TP HCM phấn khởi khi nghe thông tin này. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, nếu không chuyện đáng mừng sẽ chuyển thành… đáng lo.

Đến thời điểm hiện tại, cùng với Đại học Luật TP HCM, Đại học FPT, các trường như Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Hoa Sen, Đại học Công nghệ TP HCM… đã công bố phương án thi Đánh giá năng lực riêng năm 2019. Thông tin này khiến đa phần học sinh sắp bước vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại TP HCM cảm thấy phấn khởi. Các em cho rằng việc nhiều trường tổ chức thi đánh giá năng lực riêng sẽ giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển và nguyện vọng chọn lựa ngành nghề cho thí sinh.

Chỉ cần nhìn vào số lượng thí sinh tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học quốc gia TP HCM tổ chức năm nay tăng đột biến lên gần 34.000 em, đủ thấy được sức hút của hình thức thi hiện đại này. Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du ở quận 10, bên cạnh việc có hơn 20 trường Đại học sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học quốc gia TP HCM để xét tuyển, việc nhiều trường chủ động tổ chức thi riêng là tín hiệu đáng mừng. Khi chủ động tuyển sinh, các trường sẽ chọn những sinh viên phù hợp nhất nhằm đảm bảo tiêu chí, chất lượng đào tạo trong tương lai.

“Việc chọn người đam mê vào học khiến các trường Đại học thích hơn là nhận các sinh viên học chỉ để lấy bằng. Về lâu dài, tôi mong rằng Bộ Giáo dục - Đào tạo nhẹ nhàng hơn trong kỳ thi THPT quốc gia để làm sao học sinh không cảm thấy áp lực. Và hãy để việc xét tuyển Đại học cho các trường tự làm. Các trường sẽ xét tuyển theo nhu cầu, nguyện vọng, theo đơn đặt hàng và sẽ biết chọn đối tượng nào để đào tạo cho đúng”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Tán thành việc các trường Đại học chủ động tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, tuy nhiên, PGS TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng bản thân mỗi trường phải đảm bảo tính trung thực để kết quả đạt được tốt nhất: “Khi trường nào đó không đủ năng lực để tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực học sinh thì xin đừng làm việc ấy ở trường mình. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng nên kiểm tra chặt chẽ các trường. Nếu phát hiện trường nào không đủ điều kiện về mặt cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia làm đề, sự đảm bảo tính an toàn cho đề thi hay các phần mềm xáo trộn đề thi… thì Bộ cần đưa ra đề nghị, thậm chí là cấm”.

Theo PGS TS Nguyễn Kim Hồng, các trường cần cân nhắc kỹ và chuẩn bị thật chu đáo vì nếu làm không tới nơi tới chốn sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, tốn thời gian của thí sinh. Hiện tại, các trường đại học đều có phòng khảo thí và trung tâm đảm bảo chất lượng nhưng không phải nơi nào cũng đủ khả năng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Yếu tố quan trọng nhất là xây dựng ngân hàng đề thi. Khâu này không hề đơn giản.

Tại Hoa Kỳ, các tổ chức thi đánh giá năng lực dành cho học sinh trung học phổ thông phải có hàng ngàn chuyên gia đánh giá tham gia và họ sàng lọc, thay đổi câu hỏi hàng năm để đảm bảo chất lượng bài thi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM cho rằng, trong giai đoạn có quá nhiều hình thức tuyển sinh để lựa chọn như hiện nay, việc các trường đồng loạt tổ chức thi đánh giá năng lực riêng thực sự không cần thiết. Và nếu quá vội vàng, rất dễ dẫn đến những thiếu sót không đáng có.

Ông Cường cho hay, để chuẩn bị ngân hàng đề thi và các khâu, Đại học quốc gia TP HCM dành nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm chứ không phải vừa công bố đề án là triển khai ngay sau vài tháng được.

Ông Nguyễn Quốc Cường phân tích: “Nếu không có sự chuẩn bị kỹ liên quan tới kỳ thi đánh giá năng lực riêng thì có thể nhiều trường sẽ cùng bắt tay vào làm và kỳ thi sẽ trở thành như thi riêng của những năm 90 trở về trước. Nặng nề về việc thi riêng này sẽ có thể dẫn tới tình trạng xuất hiện nhiều trung tâm luyện thi mọc ra để tổ chức luyện thi cho học sinh giống như nhiều năm về trước”.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc thi đánh giá năng lực riêng thể hiện sự chủ động của các trường đại học trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Thế nhưng, vấn đề quan trọng vẫn là nội lực, sự chuẩn bị chu đáo và tổ chức chuyên nghiệp của các trường để thí sinh cảm thấy thoải mái và xã hội an tâm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên