Những cựu chiến binh “rút hết sức”đi tìm đồng đội
VOV.VN - Nỗ lực “rút hết sức" để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, của những cựu chiến binh còn là để trả nghĩa cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc
Trong bài viết trước, phóng VOV đã có bài viết đề cập hành trình gian nan của thân nhân các liệt sỹ trong việc tìm kiếm phần mộ người thân; trong đó có sự chung tay, góp sức của các cựu chiến binh để giúp đỡ thân nhân liệt sỹ, phần nào xoa dịu nỗi đau người ở lại. Suốt 6 năm qua, Hội Hỗ trợ các gia đình liệt sỹ Việt Nam đã giúp đỡ hàng nghìn gia đình tìm mộ liệt sỹ, trao kết quả giám định ADN chính xác cho hơn 600 gia đình.
Ông Nguyễn Hùng Phong chuẩn bị sẵn hộp cho chuyến đi lấy mẫu sinh phẩm phần mộ liệt sỹ sắp tới. |
Năm nay 68 tuổi, cái tuổi đáng lẽ được nghỉ hưu, an hưởng niềm vui tuổi già cùng với con cháu, nhưng hàng ngày, ông Nguyễn Quang Thanh, Ban tổ chức chính sách, Hội Hỗ trợ các gia đình liệt sỹ Việt Nam vẫn cần mẫn với đống hồ sơ mà hàng nghìn gia đình gửi đến Hội mong nhận được sự trợ giúp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Mỗi ngày, ông tiếp hàng chục gia đình với những hoàn cảnh khác nhau nhưng chung một niềm mong ước cháy bỏng: “tìm được hài cốt liệt sỹ, đưa về quê hương”...
Là một cựu chiến binh, từng "vào sinh ra tử" với đồng đội, ông Nguyễn Quang Thanh rất thấu hiểu nỗi niềm của thân nhân các liệt sỹ, những người bạn đã chiến đấu và hy sinh, giờ không biết xương cốt gửi nơi nào. Vì vậy, mong muốn làm được “điều gì đó” cho đồng đội của mình, ngay sau khi nghỉ hưu, ông đã tình nguyện vào Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam để tư vấn, phối hợp và hỗ trợ gia đình thân nhân các liệt sỹ trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về quê hương. Mặc dù công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, gặp nhiều khó khăn nhưng ông tâm niệm, còn làm được việc thì phải cố gắng làm sao để giúp được nhiều gia đình tìm thấy hài cốt liệt sỹ.
Ông Nguyễn Quang Thanh chia sẻ: “Nhiều gia đình tìm đến Hội, bước đầu còn chưa hiểu nhưng qua tiếp xúc một, vài lần các gia đình liệt sỹ thấy yên tâm hơn. Yên tâm ở chỗ là chúng tôi chỉ dẫn đến nơi, đến chốn, chỉ bảo cho các gia đình hoàn tất các thủ tục, tiếp cận những thông tin cần thiết để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của gia đình mình”.
Chiến tranh vốn đã khốc liệt, nhưng với những người được may mắn đi qua cuộc chiến đến thời bình, mới nhìn rõ hơn sự khốc liệt đó.
Từng đến nhiều nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước, ông Nguyễn Hùng Phong, Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam càng thấm thía nỗi đau của các gia đình liệt sỹ.
Hàng nghìn ngôi mộ ghi dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”, thậm chí có những ngôi mộ có tên nhưng không có người thăm nom vì gia đình không biết tìm ở đâu. Cũng có những hài cốt liệt sĩ nằm nơi rừng xanh núi thẳm đã gần nửa thế kỷ, hy vọng tìm kiếm vô cùng mong manh. Nhiều bà mẹ, người vợ không thể chờ được con, chồng trở về để hương khói. Vì thế, các cán bộ của Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam luôn phải "rút sức mình" bằng nhiều cách khác nhau để giúp các gia đình liệt sĩ sớm tìm được phần mộ người thân.
Để xác định chính xác tên tuổi của liệt sỹ cách làm khoa học và chính xác nhất là giám định ADN. Những cựu binh của Hội đã không quản nắng mưa, cùng các gia đình liệt sỹ vượt hàng nghìn cây số, băng rừng, lội suối, lấy hàng chục, thậm chí hàng trăm mẫu sinh phẩm của các ngôi mộ vô danh về Hà Nội xét nghiệm. Khi có kết quả chính xác tổ chức trao cho các gia đình, thân nhân liệt sỹ. Mặc dù có những chuyến đi không đem lại kết quả như mong muốn, nhưng gian nan không làm những “người lính cụ Hồ” nhụt chí.
Ông Nguyễn Hùng Phong cho biết: “Khoảng 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm được trong điều kiện hết sức khó khăn, chúng ta vẫn đang quyết tâm tìm. 300 nghìn mộ liệt sỹ vô danh là những ai?
Chúng tôi vẫn đang kề vai, sát cánh với các cơ quan chức năng nhà nước làm cả 2 nhiệm vụ này. Riêng về chuyện giám định gien để “trả lại tên cho anh” tưởng rằng đơn giản nhưng rất phức tạp, rất khó khăn. Nhưng khó đến thế chứ khó nữa chúng tôi vẫn làm. Hội thì không có nhiều người nhưng có “chân rết” ở các địa phương và hàng chục nghìn hội viên các gia đình liệt sỹ ở các địa phương làm việc này”.
Ngoài Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, hiện có hàng nghìn cựu chiến binh, những người thân của các liệt sỹ tình nguyện trở thành hội viên giúp đỡ các gia đình liệt sỹ khác trong việc tìm kiếm hài cốt người thân. Có những người hàng ngày vẫn đạp xe đạp đi tìm mộ, có những người chắt chiu từng đồng tiền để cùng gia đình liệt sĩ đi tìm đồng đội của mình trước đây. Càng đi, càng tìm, họ càng thấy cần phải làm nhiều hơn nữa cho đồng đội và góp phần xoa dịu nỗi đau của các thân nhân liệt sỹ.
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết ở Định Hóa, Thái Nguyên là một trong những người như thế. Đến nay, ông đã tìm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ có đầy đủ danh tính và được quy tập về các Nghĩa trang Quốc gia cũng như nghĩa trang quê hương.
Hộp ghi mã số đựng mẫu sinh phẩm liệt sỹ. |
Ông tâm sự, đã từng chôn cất nhiều bạn bè trong chiến đấu nên ông cảm thấy có lỗi với đồng đội nếu không cùng gia đình đi tìm các đồng chí về với quê hương…. Ngoài tài liệu đang giữ, ông Quyết còn trực tiếp đến các phòng chính sách các Quân khu 5,7,9 và các đơn vị để lấy tư liệu.
Đến nay ông đã gửi 5 nghìn lá thư tay để gửi thông tin cho các gia đình liệt sỹ. Cũng đã có hàng nghìn gia đình nhờ thông tin của ông tìm được phần mộ người thân.
Tri ân cùng đồng đội, cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết tâm niệm sẽ làm công việc này cho đến khi nào không thể làm được nữa mới thôi: “Mặc dù là thương binh, tuổi cũng đã cao rồi nhưng còn có điều kiện thì còn giúp các gia đình liệt sỹ bằng cách thông tin, giúp đỡ, định hướng cho họ để tìm kiếm phần mộ liệt sỹ.
Đó là tâm nguyện mà tôi luôn mang trong lòng. Đối với các gia đình liệt sỹ có tâm tư, nguyện vọng thì chúng tôi giúp đỡ trực tiếp, giới thiệu cho họ đến với những đội quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Hiện còn khoảng 5 nghìn liệt sỹ nữa tôi chưa thể thông tin đến gia đình họ. Tôi sẽ tiếp tục thông tin đến họ để họ biết được liệt sỹ hy sinh ở đâu, phần nào an ủi cho các gia đình”
Nỗ lực “rút hết sức mình" để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, với những cựu chiến binh như ông Nguyễn Quang Thanh, Nguyễn Hùng Phong và Nguyễn Duy Quyết, đó không chỉ để góp phần làm vơi bớt những nỗi đau chiến tranh, mà còn là để trả nghĩa cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc./.