Những giá trị ảo của đời sống văn hoá
Giá trị con người của không ít đứa trẻ đang thay đổi theo chiều hướng mỗi ngày một phù phiếm
Với màn múa thoát y của những sinh viên FPT Arena trong hội diễn văn nghệ của Công ty FPT, cái vương miện bị rơi của người đẹp Thuỳ Dung, cơn sốt khoe thân thể của các cô cậu học trò trên blog, và việc lạm dụng các cuộc thi bình chọn ngôi sao qua tin nhắn…, đời sống văn hoá của người Việt trong năm qua dường như có quá nhiều bê bối.
Nếu chỉ xét trên góc độ sự kiện, những bê bối đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ và không quá nghiêm trọng. Nhưng nhìn sâu vào căn nguyên của những sự kiện này, dường như có một đáp án chung rất đáng lo ngại. Đó là hệ quả từ việc những giá trị ảo trong đời sống văn hoá đang được đề cao.
Những cô bé học trò “khoe hàng” trên blog cá nhân để mưu cầu sự nổi tiếng. Hiện tượng ấy, chỉ một vài năm trước còn là điều không thể tưởng tượng. Nhưng, giờ đây, chỉ cần gõ từ khoá “nữ sinh” vào trang tìm kiếm google, người ta có thể tìm thấy hàng ngàn địa chỉ blog hoặc trang web cá nhân của các cô học trò với rất nhiều hình ảnh mát mẻ được quay, chụp trong các tư thế hoàn toàn tự nguyện, và tự tin.
Chứng kiến những hình ảnh ấy, chúng ta có thể đưa ra nhận xét về sự hư hỏng, trơ trẽn. Điều đó đúng. Nhưng nếu nhìn vào vẻ mặt tự hào của chủ nhân những bức ảnh đó, sự phán xét của chúng ta có thể là vô nghĩa. Một thực tế khó phủ nhận là con cái chúng ta, khi được hỏi là chúng ngưỡng mộ ai trong số các bạn bè của mình thì câu trả lời thật thà sẽ là: Bạn X, bạn Y luôn ăn mặc sành điệu, nhảy đẹp, hát hay…, chứ không phải bạn A, bạn B học giỏi, vượt khó.
Giá trị con người của không ít đứa trẻ đang thay đổi theo chiều hướng mỗi ngày một phù phiếm. Nguyên nhân đầu tiên chính là từ truyền thông, với sự bùng nổ của các game show mà mục đích thương mại, hút quảng cáo và ngập tràn dịch vụ nhắn tin được đặt lên hàng đầu. Và hình mẫu để các cô cậu học trò theo đuổi, thần tượng của giới trẻ Việt Nam là những anh, chị “ca sĩ” hát không nên lời, ăn mặc tả tơi, nói cười ngơ ngẩn… là nhân vật của những chương trình truyền hình thực tế như “Việt Nam Idol” chẳng hạn.
Nguồn lợi của những đơn vị cung cấp dịch vụ nhắn tin và các chương trình truyền hình thương mại đã tạo nên những giá trị ảo cho thị hiếu xốc nổi của lũ trẻ. Đó là điều mà mọi lời giáo huấn của cha mẹ và thầy cô giáo thật khó để cạnh tranh.
Nếu việc “khoe hàng” của các cô cậu học trò là hành vi xốc nổi thì không thể nói rằng mấy anh chàng sinh viên trút bỏ áo quần để múa may trước bàn dân thiên hạ chỉ đơn thuần là một hành động thiếu kiểm soát. Họ là những cử nhân tương lai, những người có đủ học vấn và cả tuổi đời để định hình nhân cách của mình. Chắc chắn, họ sẽ không thể làm cái trò cởi bỏ áo quần để múa may nếu như không nhận được sự tán thưởng, khích lệ từ bạn bè, thầy cô.
Hình phạt đã được đưa ra cho những chàng sinh viên đó. Nhưng họ có cảm thấy xấu hổ vì hành vi của mình hay không mới là điều quan trọng. Lỗi, phải chăng không thuộc về người thực hiện hành vi, mà là đám đông chấp nhận và cổ vũ hành vi đó?
Tương tự như câu chuyện của mấy chàng sinh viên FPT, sự cố hoa hậu Thuỳ Dung cũng là điều cần phải suy nghĩ. Cô gái đẹp ấy có thể vì háo danh mà vẫn không từ bỏ danh hiệu hoa hậu khi biết mình vi phạm quy chế. Ban tổ chức cuộc thi có thể do sơ suất.
Nhưng lý giải thế nào về việc chính quyền địa phương trích thưởng số tiền 30 triệu đồng từ ngân sách cho người đẹp quê mình? Số tiền thưởng ấy không lớn, nhưng nó là một sự chứng thực cho giá trị của cô gái ấy. Và sự chứng thực của một cơ quan quyền lực, hẳn nhiên sẽ là một giá trị mà nhiều người mơ ước. Vấn đề, đó có phải là điều mà chúng ta muốn hướng đến cho con cái của mình?./.