Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La, tiền thân là Trung tâm giáo dục - lao động tỉnh Sơn La, được thành lập năm 2003, trên địa bàn xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn với quy mô 1.500 học viên.
|
Đào tạo sơ cấp đa ngành nghề, tạo cơ hội cho các học viên có tay nghề làm kinh tế, ổn định cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng. |
Ngoài việc cắt cơn, cai nghiện cho người nghiện ma túy, công tác tuyên truyền, giáo dục, dạy nghề cho các học viên luôn được Cơ sở trú trọng triển khai. Tại đây có một lớp học đặc biệt, mang tên lớp học “xóa mù chữ”. Qua nhiều năm triển khai đã giúp hàng trăm lượt học viên biết đọc, biết viết, biết thực hiện các phép tính cơ bản, từ đó giúp các học viên dễ dàng tiếp cận với các tài liệu tuyên truyền giáo dục, cũng như tài liệu phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tu dưỡng rèn luyện đạo đức...
Chị Vũ Thị Hồi, cán bộ Phòng giáo dục dạy nghề, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La, là giáo viên trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ này trong nhiều năm chia sẻ: tỷ lệ học viên vào cai nghiện tại cơ sở mù chữ hàng năm chiếm khoảng 10%; đa phần họ là người dân tộc thiểu số ở những nơi vùng sâu, vùng xa, đời sống khó khăn và trình độ văn hóa thấp, vì vậy công tác giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về ngôn ngữ, sự tự ti, mặc cảm của các học viên. Ngoài ra, chế độ hỗ trợ, vật tư phục vụ cho học viên như vở ô ly, bút, sách, tài liệu cũng còn nhiều hạn chế...
Tuy nhiên, chính những khó khăn ấy càng làm đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây thêm quyết tâm trang bị những kiến thức đầy đủ nhất, giúp học viên thay đổi hành vi nhân cách, trở về cộng đồng là công dân có ích cho xã hội.
|
Cô giáo Vũ Thị Hồi chia sẻ, học viên của lớp học là những người đặc biệt, khi bỏ qua được sự mặc cảm, tự ti thì rất hăng say, cố gắng trong từng buổi học. |
Chị Vũ Thị Hồi chia sẻ: “Học viên là những người nghiện ma túy lâu năm, nên ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và trí nhớ. Xác định được tâm lý của học viên, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn gần gũi, quan tâm, đặc biệt luôn động viên chia sẻ để học viên không cảm thấy ngại ngùng hay xấu hổ khi tập đọc hay tập viết những con chữ, hay những con số đầu tiên”.
Song song với lớp dạy chữ, từ năm 2009 tới nay, cơ sở đã mở hơn 60 lớp dạy nghề với trên 1.800 học viên được học và cấp chứng chỉ trình độ sơ cấp các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Dưới sự dìu dắt, hướng dẫn một cách tận tâm của các cán bộ, giáo viên, các học viên dù người từng làm cán bộ, người làm nghề tự do, trẻ có, già có nhưng trong nếp sống hàng ngày, cũng như khi tham gia học nghề, mỗi người đều đoàn kết, tích cực tham gia tiếp thu kiến thức, chăm chỉ thực hành nâng cao trình độ tay nghề, với mong muốn có việc làm ổn định sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương.
Anh Cầm Văn Cường học viên ở Cơ sở nói: “Em vào đây được các thầy cô quan tâm, cho tham gia học lớp xóa mù chữ. Sau 2 tháng, em cũng đọc được, viết được”.
Những năm gần đây, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La còn tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đưa một số loại hình sản xuất như khâu bóng, làm mộc, sản xuất gạch không nung...vào danh mục dạy nghề, nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định cho học viên khi tái hòa nhập cộng đồng.
|
Học viên được đào tạo 1 số ngành nghề. |
Ông Nguyễn Trọng Thiềm, phó giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La cho biết: “Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục định hướng dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp cho học viên, cơ sở sẽ tìm kiếm, phối hợp, gắn kết với các doanh nghiệp mở một số xưởng sản xuất tại cơ sở để tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống cho một số học viên có tay nghề, có nhu cầu ở lại làm việc sau khi học các lớp dạy nghề”.