Nữ sinh khiếm khuyết đôi tay bẩm sinh, phải viết chữ bằng chân trái
Sinh ra đã bị khuyết tật đôi bàn tay, phải viết chữ bằng chân trái nhưng Lê Thị Thắm luôn vượt qua bệnh tật để đạt thành tích cao trong học tập.
Đó là tình cảnh của em Lê Thị Thắm, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Đông Sơn 1, huyện Đông Sơn khi em sinh ra đã không có đôi tay. Vượt lên số phận, em cũng sắp đạt được ước mơ vào đại học của mình. Nhưng phía trước em còn đầy chông gai khi trong người mang nhiều bệnh tật, gia đình quá nghèo không có khả năng chạy chữa cho em…
Hình ảnh người phụ nữ tần tảo sớm hôm chở cô con gái tật nguyền đến trường học hơn chục năm qua đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân ở xã Đông Thịnh, cũng như các học sinh, thầy cô giáo Trường THPT Đông Sơn 1, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Chị là Nguyễn Thị Tình, mẹ của em Lê Thị Thắm, học sinh lớp 12 A4, trường THPT Đông Sơn 1. Khi chúng tôi đến nhà đang là lúc mờ sáng, giữa tiết trời lạnh buốt xương, bắt gặp hình ảnh một cô bé nhỏ thó đang ngồi bệt dưới đất đưa đôi chân trần khéo léo của mình cắp từng cuốn sách, vở cho vào cặp. Những việc còn lại như mặc quần áo em đều phải nhờ vào sự trợ giúp của mẹ.
Khi chuẩn bị xong những công việc cá nhân cho con, chị Tình vội vã dắt chiếc xe đạp cọc cạch cho con gái ngồi lên và đưa đến tận lớp học. Rồi chị lại lầm lũi ra về với bao công việc thường ngày của người vợ, người mẹ. Cậu con trai út Lê Xuân Tuấn năm nay học lớp 6 thì tự lo cho mình.
Bẩm sinh Thắm đã không được lành lặn như bạn bè cùng trang lứa. Em sinh ra không có 2 tay, người mẹ lúc đó như chết lặng, nhưng với bản chất của người mẹ, chị Tình gần như đã bỏ mọi công việc đồng áng ở nhà chăm sóc cho con mong con được bù đắp lại bằng tinh thần.
Cứ như vậy, từ ngày Thắm đi học, chị theo con suốt 12 năm trời, dù nắng hay mưa, ngày hai buổi chị đưa đón con đến trường đi học rồi trở về lo công việc gia đình. Mọi sinh hoạt, thuốc thang cho con đều đổ dồn lên đôi vai anh Lê Xuân Ân, chồng chị. Anh Ân đi phụ hồ ở Hà Nội có khi cả tháng trời không về nhà.
Với những người bình thường, tập viết bằng tay đã khó, chân lại càng khó hơn, do chân phải phải ngắn hơn nên Thắm phải tập viết bằng chân trái. Hai năm nay, đôi chân của Thắm cũng không còn được như trước khi chân cao, chân thấp, nhưng nghị lực của Thắm thì không hề suy giảm.
Nhớ lại những ngày bắt đầu tập viết, có những lúc chân em bị phồng rộp lên, xước da, tứa cả máu. Chị Tình thương con, lấy giẻ quấn vào chân và khuyên con không viết nữa. Nhưng Thắm vẫn quyết tâm thực hiện mong ước được đến trường của mình. Bao tháng ngày khổ luyện, cùng với sự trợ giúp của mẹ rồi Thắm cũng đọc thông, viết thành thạo các chữ cái. Chính nghị lực phi thường đó đã nâng bước cô học trò khuyết tật đến trường. Khó để dùng ngôn ngữ bằng lời để có thể diễn tả hết những nỗ lực, khổ luyện của Thắm. Những ngày qua, thời tiết giá rét nhưng em vẫn phải mang đôi chân trần đến lớp.
Đôi mắt thoáng buồn khi nghĩ lại những ngày còn học lớp 1, các bạn ở trường hay trêu chọc và gọi em là chim cánh cụt. Lúc đó em rất buồn và thường hay khóc một mình. Nhưng mẹ và các thầy cô giáo luôn bên cạnh an ủi, động viên em, giải thích cho các bạn nhỏ để không chọc ghẹo em nữa. Nhà trường và gia đình cũng đóng cho em một bộ bàn ghế phù hợp với thể trạng của em. Cứ như vậy, đến nay, Thắm đã là nữ sinh lớp 12 của Trường THPT Đông Sơn 1.
Sự kiên trì, bền bỉ của em đã có kết quả. Từ lớp 1 đến lớp 12, Thắm đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Năm lớp 3 em đạt giải nhì cuộc thi vẽ tranh do Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Năm lớp 5 em đi thi viết chữ đẹp và đoạt giải Nhất ở huyện và giải xuất sắc ở tỉnh. Lớp 8 em đạt giải vẽ tranh ở huyện và thi giải tiếng Anh trên mạng. Năm lớp 9 em đi thi học sinh giỏi môn văn do trường tổ chức. Và rất nhiều giấy khen, bằng khen do huyện, tỉnh và trung ương khen tặng…
Dù đã bước sang tuổi 19, nhưng trông Thắm chỉ như một học sinh cấp 2, nặng 24kg. Hơn nữa, mấy năm nay sức khỏe của Thắm không được tốt, bệnh tật đổ dồn. Khổ nhất là những ngày trời trở lạnh, bệnh tật hành hạ, toàn thân ê buốt, các khớp chân đau nhức. Cột sống của Thắm cũng bị cong, vẹo, ruột bị tắc và suy nhược cơ thể nặng. Mới đây, em còn mắc căn bệnh viêm đường tiết niệu và u nang đi nhiều nơi chữa trị nhưng khối u vẫn ngày một lớn, không thuyên giảm...
Vì điều kiện gia đình nên em không thể nằm điều trị dài ngày ở viện mà xin đơn thuốc về nhà uống. Nhưng với đồng lương phụ hồ ít ỏi, lại phải lo cho cả gia đình nên việc thuốc thang của em cũng không được thường xuyên.
Gia đình Thắm thuộc hộ nghèo, nhà chỉ có một sào ruộng, được xã tạo điều kiện cho vay làm tạm căn nhà nhỏ đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Đã vậy tiền viện, tiền thuốc thang cho Thắm ngày càng nhiều khiến gia đình càng chật vật. Đôi mắt Thắm đượm buồn khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình, em mong muốn ông trời thương và cho bệnh tật bớt hành hạ để em có thể tiếp tục việc học và bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn.
Phía trước em là giảng đường đại học, Thắm mong ước được đi học đại học, trở thành một cô giáo dạy ngoại ngữ để về quê dạy các em nhỏ trường làng. Nhưng trên con đường thực hiện niềm mơ ước ấy của em còn lắm chông gai, thử thách cùng với muôn vàn khó khăn về điều kiện sức khỏe và kinh tế gia đình…/.