Quy hoạch và nâng cao chất lượng giáo viên

Phải thực hiện ngay từ trong các trường Sư phạm

Quy hoạch nguồn nhân lực không thống nhất; nhiều địa phương thiếu kinh phí, hệ thống đào tạo tại các trường Sư phạm chậm đổi mới là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên…  

Tính đến năm học 2007 - 2008, cả nước có hơn 1.055.078 nhà giáo, tăng 79.800 người (trên 7%) so với năm học 2004 - 2005. Tuy số giáo viên có tăng lên nhưng do việc phân bổ và điều tiết nguồn nhân lực từ Trung ương xuống các địa phương còn nhiều bất cập nên vẫn xảy ra tình trạng thừa- thiếu cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở các tỉnh, thành.

Tại hội nghị cầu truyền hình sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 09/2005/QĐ-TTg về thực hiện Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010'' và Đổi mới công tác tổ chức cán bộ, quản lý cơ sở giáo dục diễn ra ngày 12/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Bành Tiến Long cho biết: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khác vẫn là những nơi có nhiều giáo viên nhất. Còn những địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa luôn trong tình trạng thiếu hụt giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học, Nhạc, Họa…

Nơi khó khăn luôn thiếu…

Hà Giang là một tỉnh miền núi với số dân khoảng 70.000 người thuộc 22 dân tộc (có tới 89% là dân tộc thiểu số), đời sống kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm qua, Hà Giang luôn quan tâm đến đẩy mạnh chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, khó khăn thường trực mà Hà Giang luôn phải đối mặt là tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và THCS. Ước tính mỗi năm Hà Giang cần từ 800.000-900.000 giáo viên ở tất cả các cấp.

Cũng giống như Hà Giang, Lào Cai là vùng núi cao hiểm trở, với 27 dân tộc (trong đó có 26 dân tộc thiểu số). Thực trạng thiếu giáo viên ở Lào Cai cũng là vấn đề mà địa phương đang loay hoay tìm cách gỡ rối. Theo ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Lào Cai, mỗi năm tỉnh thiếu khoảng hơn 1.000 giáo viên ở tất cả các cấp học và đặc biệt thiếu giáo viên các môn: Ngoại ngữ, Nhạc, Hoạ.

Cung cấp đủ giáo viên mầm non cho vùng khó khăn không phải là dễ

Một trong những nguyên nhân chính khiến Hà Giang, Lào Cai và các địa phương khó khăn khác luôn trong tình trạng thiếu giáo viên là do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt, điều kiện sống nghèo nàn… nên không thu hút được sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm.

Ngoài ra, tại những địa phương này, ngân sách giành cho phát triển giáo dục, tuyển chọn giáo viên giỏi còn rất hạn chế; không có nguồn thu từ học phí của học sinh, sinh viên do phần đông là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Quy hoạch giáo viên phải thường xuyên và thống nhất

Ông Nguyễn Tất Thắng

Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Nam Định: Tình trạng thừa-thiếu giáo viên ở các tỉnh, thành trong cả nước đã và đang là thực trạng bất cập từ nhiều năm nay. Để khắc phục, hơn lúc nào hết chúng ta phải chú trọng đến vấn đề quy hoạch, bố trí giáo viên. Việc quy hoạch này phải bắt nguồn từ các cấp Trung ương, thường xuyên quan tâm đến số lượng giáo viên tại các địa phương một cách có định hướng.

Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Lào Cai chỉ rõ: Nguyên nhân là chưa có sự thống nhất trong đào tạo và quy hoạch giáo viên, chưa có sự ràng buộc chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, tuyển dụng và sinh viên Sư phạm. Điều này gây ra một sự lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước.

Ông Trương Kim Minh cho rằng, đã đến lúc ngành Giáo dục cần phải có sự thống nhất trong toàn quốc về chiến lược đào tạo, tuyển dụng và phân bổ giáo viên.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở những vùng khó khăn, ông Lương Văn Soòng, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Hà Giang cho rằng: Hầu hết những địa phương ở vùng sâu, vùng xa đều có đông người dân tộc thiểu số với những ngôn ngữ khác nhau. Vì thế, ngành Giáo dục nên phối hợp với các địa phương đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực ở ngay chính địa phương đó tham gia vào công tác giáo dục- đào tạo.

Ngoài ra, để thu hút giáo viên ở những vùng thuận lợi về vùng khó khăn giảng dạy, ngành Giáo dục cần quan tâm hơn nữa tới việc bổ sung giáo viên cho những vùng khó khăn của cả nước. Đặc biệt là có chế độ đãi ngộ thích đáng, vượt trội cho những giáo viên lên những vùng khó khăn công tác.

Ông Lương Văn Soòng

Các địa phương cũng cần thực hiện tốt việc luân chuyển giáo viên. Những giáo viên đã công tác ở những vùng thuận lợi lâu năm cần được luân chuyển tới những địa bàn khó khăn hơn và ngược lại. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, các địa phương phải có sự khuyến khích, hỗ trợ về kinh tế, nhà ở cho giáo viên và gia đình họ.

Các trường Sư phạm phải tiên phong trong đổi mới đào tạo

Bàn về vấn đề đổi mới tổ chức cán bộ, quản lý cơ sở giáo dục, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Lực lượng nhà giáo của nước ta hiện nay đang gặp khó khăn và bất cập lớn nhất ở bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề. Điều đó thể hiện rất rõ qua sự thiếu hụt số lượng lớn giáo viên so với yêu cầu phát triển quy mô và chất lượng, trình độ giáo viên chưa tương xứng với bậc đào tạo. Khối đại học hiện còn thiếu 20.000 giáo viên. Khối các trường dạy nghề tính đến 2015 còn thiếu khoảng 10.000 giáo viên. So với yêu cầu đặt ra là: 40% giảng viên đại học trình độ thạc sĩ và 25% trình độ tiến sĩ thì chúng ta vẫn còn một khoảng cách khá xa mới đạt được.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Trong 5-7 năm tới, ngành Giáo dục phải thực hiện các giải pháp tập trung và đồng bộ quyết liệt thì mới có thể giải quyết được vấn đề mất cân đối về số lượng, cơ cầu ngành nghề và trình độ của đội ngũ nhà giáo.

Để thực hiện tốt được mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Các trường sư phạm phải là đầu tàu về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để kéo cả hệ thống giáo dục quốc dân đi lên. Trong 2 năm tới, các trường Sư phạm phải chấm dứt tình trạng phương pháp giảng dạy lạc hậu vẫn còn đang phổ biến như hiện nay.

Nhằm hỗ trợ các trường Sư phạm, từ nay đến năm 2010, Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển hệ thống trường Sư phạm do một Thứ trưởng trực tiếp phụ trách, thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường Sư phạm. Ban Chỉ đạo này sẽ có nhiệm vụ rà soát, đánh giá lại tổng thể chất lượng giáo viên, sinh viên, quy trình quản lý, đào tạo trong hệ thống các trường Sư phạm.

Ông Trương Kim Minh

Ngoài ra, để giúp các địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phó Thủ tướng yêu cầu mỗi trường Sư phạm cần xây dựng cơ chế liên kết với các tỉnh, thành để biết rõ nhu cầu thực tế giáo viên trong tương lai của địa phương và có kế hoạch đào tạo cho phù hợp. Có như vậy, bài toán về giải quyết thiếu hụt đội ngũ giáo viên, mất cân đối về ngành nghề mới được giải quyết bền vững.

Một thực trạng khác mà nhiều cơ sở giáo dục đang phải đối mặt là “chảy máu chất xám”. Theo ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Lào Cai, nhiều sinh viên ngành Sư phạm tốt nghiệp ra trường chỉ làm việc ở các cơ sở đào tạo được vài năm, sau đó lại xin chuyển sang một cơ quan, công ty khác có thu nhập cao hơn. Điều này cho thấy, cơ chế, chính sách để giữ chân và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao làm việc tại những cơ sở giáo dục còn yếu kém. Chính vì thế, cần phải xây dựng lại chế độ đãi ngộ đối với những người thực sự có năng lực làm việc tại các cơ sở giáo dục- đào tạo.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng nên quan tâm đổi mới chất lượng giảng dạy của các thầy, cô giáo bằng cách để cho các trường học tự chủ về tài chính, chi tiêu. Theo đó, các trường có thể tuyển chọn giáo viên giỏi vào giảng dạy; đình chỉ giáo viên yếu kém hoặc luân chuyển sang làm những công việc khác.

Đổi mới công tác tổ chức cán bộ, quản lý cơ sở giáo dục là vấn đề cần kíp phải thực hiện ngay. Tuy nhiên, đổi mới sao cho phù hợp với từng địa phương lại là vấn đề không thể thực hiện một sớm một chiều mà phải có sự thống nhất giữa ngành Giáo dục và các địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên