Phao thi trắng trường, thi lại môn Toán mà vẫn “an toàn, nghiêm túc”
VOV.VN -Trong báo cáo tổng kết kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ GD-ĐT lặp lại điệp khúc “an toàn, nghiêm túc” cho dù sai phạm vẫn tràn lan.
Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 được tổ chức từ ngày 1/7 đến hết ngày 4/7 với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì và 61 cụm thi tại tỉnh do sở GDĐT chủ trì).
“Điểm mặt” những vi phạm trong kỳ thi
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc kỳ thi, nhiều phóng viên đã nêu những hiện tượng mất an toàn, thiếu nghiêm túc trong kỳ thi. Điển hình như tại Trường THPT Như Thanh 1 (Thanh Hóa), “phao thi trắng trường” sau khi kết thúc mỗi môn thi.
Bộ GD-ĐT nói về hướng xử lý vụ đọc đáp án Lịch sử vào phòng thi
Cũng tại Thanh Hóa, trong ngày thi buổi chiều 3/7, tại Cụm thi số 25 do Sở GD-ĐT Thanh Hóa chủ trì đã xảy ra một sự cố hi hữu khi tại điểm thi số 33, Trường THPT Yên Định 1 thiếu tới 37 đề thi, khiến thí sinh tại điểm thi này bắt đầu làm bài chậm tới 50 phút so với quy định.
Theo Bộ GD-ĐT, những cơ sở in sao tài liệu "không còn đất sống" trong kỳ thi này. Tuy nhiên, phao thi vẫn trắng cổng trường (Ảnh: VnExpress) |
Cụm thi do Trường ĐH Đà Lạt chủ trì đã phải tổ chức thi lại môn Toán cho 25 thí sinh vì giám thị coi thi thay vì ký vào ô “cán bộ coi thi” đã ký nhầm sang ô “cán bộ chấm thi”, trên giấy làm bài của thí sinh. Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, để bảo đảm quyền lợi tối đa cho TS, cụm thi sẽ chấm cả hai bài thi, bài nào điểm cao sẽ lấy điểm bài đó.
Nghiêm trọng hơn, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bắt giữ hai nghi phạm giải và đọc đáp án môn Lịch sử vào phòng thi trong buổi sáng 4/7. Cơ quan chức năng cũng đã lấy lời khai hai người này. Bước đầu, theo khai nhận của các nghi phạm, việc giải và đọc bài vào phòng thi đã được thực hiện từ ngày 2/7.
Thông tin rò rỉ đề thi Tiếng Anh trên một trang Facebook ngay sau khi công bố đề thi cũng được dư luận hết sức quan tâm. Liệu có phải là “lộ đề” hay một lý do thiếu an toàn nào đó? Theo Bộ GD-ĐT, ngay sau khi nắm được thông tin, Bộ GD-ĐT đã có công văn phối hợp với Bộ Công an và đang trong quá trình điều tra, hiện chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, bước đầu có thể thấy tài khoản này bị đánh cắp và hacker đưa đề thi lên mạng.
Trước câu hỏi của phóng viên, cho rằng hầu hết thí sinh vi phạm nằm ở cụm thi do các trường ĐH tổ chức, còn các cụm do các địa phương tổ chức thì mặc dù có hiện tượng “phao trắng trường”, học sinh trao đổi bài, nhìn bài của nhau nhưng thí sinh bị kỷ luật lại ít. Phải chăng có sự “nương tay” với các thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp?
Ông Mai Văn Trinh lý giải: Các em thi để xét ĐH, CĐ chắc chắn áp lực hơn, nên dễ vi phạm hơn những thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp, bởi đối tượng này ít áp lực hơn?.
Vẫn bảo đảm “an toàn, nghiêm túc”
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội. Quán triệt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành liên quan (như Công an, Tài chính, Điện lực, Giao thông vận tải, Y tế, Đoàn thanh niên…) đã chủ động vào cuộc, cùng với ngành giáo dục tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai kỳ thi này.
Thí sinh làm thủ tục tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân |
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong cả kỳ thi THPT Quốc gia với 8 môn thi, đã có 770 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật. Trong số này, 694 thí sinh bị đình chỉ thi, 49 thí sinh bị khiển trách và 27 em bị cảnh cáo.
Thí sinh vi phạm nhiều nhất trong các môn tự luận xã hội như Văn, Địa lý, Lịch sử. Tổng hợp cuối ngày 4/7 của Bộ vẫn khẳng định không có thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý. (Trong báo cáo không đề cập giám thị nào vi phạm).
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục – Đào tạo) khẳng định: Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc ở cả hai loại cụm thi. Hiện tượng gian lận trong thi cử đã được hạn chế, các trường hợp vi phạm kỷ luật trường thi đều được các cụm thi kiên quyết xử lý theo đúng quy chế.
Nhìn chung đã có sự phối hợp tốt và nhịp nhàng giữa các địa phương, các Sở GDĐT và trường đại học trong công tác tổ chức kỳ thi. Tất cả các cụm thi dù là do địa phương chủ trì hay do trường đại học chủ trì đều có sự tham gia của giáo viên phổ thông và giáo viên đại học từ ban chỉ đạo thi, hội đồng thi, cán bộ coi thi, thanh tra thi, cán bộ chấm thi...
Kỳ thi đã được thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội và diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nhiều phóng viên cho rằng, trong báo cáo tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm trước đây, năm nào Bộ cũng lặp đi lặp lại điệp khúc “an toàn, nghiêm túc” cho dù sai phạm vẫn tràn lan./.