Phát triển các trường sư phạm bắt đầu từ nhận diện năng lực
VOV.VN - 8 trường ĐH, HV sư phạm được lựa chọn để nâng cao năng lực nhằm thực hiện trực tiếp nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV&CBQLCSGDPT) của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong việc cần nhanh chóng nâng cao năng lực nghề nghiệp.
Việc làm này nhằm đáp ứng tốt những yêu cầu của đổi mới căn bản giáo dục phổ thông về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, cách thức đánh giá năng lực người học và những yêu cầu mới về vai trò và trách nhiệm nghề nghiệp.
Nhằm hỗ trợ các GV&CBQLCSGDPT, Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP) vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) của Bộ GD-ĐT có mục tiêu là phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQLCSGDPT thông qua công tác bồi dưỡng phát triển chuyên môn thường xuyên, liên tục, ngay tại nhà trường với sự hỗ trợ của đội ngũ GV cốt cán, CBQLCSGDPT cốt cán, các giảng viên sư phạm chủ chốt và một hệ thống bồi dưỡng hiện đại nhằm cung cấp các nguồn học liệu mở (tài liệu, giáo trình, video, website … ), các khóa học tập tương tác (online, offline, blended-learning …), các cơ hội kết nối trao đổi, làm việc nhóm trên nền tảng ứng dụng CNTT.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo tập huấn “Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực cho GV và CBQLCSGDPT theo chuẩn nghề nghiệp mới” |
Sáu trường đại học sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội 2, Đại học SP TP HCM, Đại học SP – ĐH Thái Nguyên, Đại học SP Huế, Đại học SP – ĐH Đà Nẵng), 1 Học viện Quản lí Giáo dục và Đại học Vinh đã được lựa chọn để nâng cao năng lực nhằm thực hiện trực tiếp nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ GV&CBQLCSGDPT nâng cao năng lực theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp trong khuôn khổ Chương trình ETEP.
Nằm trong nhiệm vụ Hỗ trợ kĩ thuật của Chương trình ETEP và WB, tại Hà Nội, Hội thảo tập huấn “Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực cho GV và CBQLCSGDPT theo chuẩn nghề nghiệp mới” vừa được tổ chức với sự tham gia của các lãnh đạo, giảng viên đến từ các trường sư phạm, các cơ quan hữu quan của Bộ GD-ĐT, các chuyên gia tư vấn trong, ngoài nước của Chương trình ETEP và WB. Đặc biệt là sự hỗ trợ kĩ thuật của các chuyên gia giáo dục đến từ Đại học Giáo dục Hồng Kông (EduHK), đơn vị có bề dày 100 năm kinh nghiệm, xếp thứ 2 khu vực Châu Á và thứ 13 trên thế giới trong bảng xếp hạng QS (QS World University Rankings) năm 2017.
Hội thảo tập trung phân tích các kết quả tự đánh giá và đánh giá đồng cấp của 8 trường sư phạm trong khuôn khổ Chương trình ETEP theo bộ chỉ số TEIDI (bộ công cụ đo lường năng lực các trường sư phạm có 7 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí và 60 chỉ số trên các lĩnh vực: Tầm nhìn chiến lược và quản lý chất lượng; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Nghiên cứu, phát triển và đổi mới; Hoạt động đối ngoại; Môi trường và các nguồn lực; Hỗ trợ dạy học; Hỗ trợ người học). Từ đó, nhận diện rõ những điểm mạnh, điểm hạn chế trong năng lực của từng trường nhằm xác định rõ sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược phát triển của các trường trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong 5 năm thực hiện Chương trình ETEP.
Các chuyên gia giáo dục của EduHK đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhà trường của EduHK, cùng với lãnh đạo và giảng viên chủ chốt của 8 trường sư phạm xây dựng kế hoạch chiến lược với lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể, mang tính khả thi, đạt được mục tiêu mong đợi trên những dữ liệu và minh chứng xác thực về điểm mạnh, yếu cùng những giá trị cốt lõi, đặc trưng của từng trường.
Giáo sư Lee Chi-kin John, Trưởng nhóm tư vấn EduHK nhận định: “Nghiên cứu tài liệu đánh giá của các trường, chúng tôi thấy cần có thêm nhiều bằng chứng cụ thể để đánh giá chính xác nhà trường đang ở đâu, điểm mạnh và điểm yếu là gì, ở mức nào. Trong lập kế hoạch chiến lược, cần phải tìm ra đặc điểm riêng, sự độc đáo của riêng mình và sắp xếp ưu tiên các lĩnh vực quan trọng để cân đối nguồn lực triển khai phù hợp. Đồng thời, rất cần chú trọng phân tích, đánh giá xu hướng mới của quốc tế để đảm bảo trường mình phát triển theo xu hướng chung của thế giới".
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng: “Những kinh nghiệm, cách làm việc khoa học, bài bản của các chuyên gia EduHK sẽ giúp cho các trường thực hiện hiệu quả Chương trình ETEP ngay từ khâu định hướng để phát triển năng lực của mình”.
TS Sơn tâm đắc điều mà các chuyên gia chia sẻ, đó là “Không có khuôn mẫu chung dành cho tất cả các trường mà mỗi trường sẽ phát triển dựa trên xuất phát điểm của chính mình. Vấn đề quan trọng là các trường làm gì, làm như thế nào để đạt được từng mức điểm theo các thang đo của bộ chỉ số TEIDI, cho nên cần phải thay đổi suy nghĩ, tầm nhìn và đặc biệt là hành động”.
PGS.TS Phùng Gia Thế, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đánh giá cao những tư vấn của các chuyên gia giáo dục của EduHK, với kinh nghiệm của một nền giáo dục tiên tiến “đã giúp nhà trường xây dựng kế hoạch hành động mang tính khả thi và chọn được vấn đề ưu tiên để thực hiện, khắc phục được sự tản mạn, dàn trải trong bản kế hoạch trước đây”.
Đối với cán bộ quản lý như PGS.TS Nguyễn Thị Tính, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên thi từ những vấn đề bàn thảo, các trường có được kỹ năng xây dựng chiến lược phát triển với những kế hoạch hành động phù hợp, phát triển nhà trường theo các mốc chuẩn đã xác định.
PGS.TS Nguyễn Thị Tính cho biết: "Theo tư vấn của chuyên gia EduHK và các chuyên gia Việt Nam, tới đây, trường ĐH sư phạm - ĐH Thái Nguyên sẽ tập trung nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên của trường; đồng thời chú trọng hơn tới việc phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng với những nội dung dành cho các đối tượng sinh viên đa văn hóa để khi ra trường họ thích ứng được với thị trường tuyển dụng, phục vụ cho vùng dân tộc thiểu số. Điều này dựa trên những giá trị đặc trưng cốt lõi của nhà trường với đặc thù với đối tượng đào tạo chủ yếu là sinh viên người dân tộc thiểu số, miền núi phía Bắc và sinh viên của 1 số nước có nền văn hóa tương đồng như Lào, Thái Lan, Campuchia”.
PG.STS Trần Xuân Bách, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Các chuyên gia Việt Nam và EduHK đã có những gợi ý rất tốt cho chiến lược phát triển của trường mình trên cơ sở tìm ra những nét độc đáo, những thế mạnh cũng như những điểm yếu để tập trung đầu tư phát triển điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng sẽ điều chỉnh chiến lược phát triển nhà trường theo hướng phân tích SWOT đối với nhà trường để hoạch định kế hoạch cụ thể với những lĩnh vực ưu tiên, không ôm đồm”.
Ngay sau hội thảo, các chuyên gia tư vấn của Chương trình ETEP, WB và EduHK sẽ lần lượt đến 8 trường tham gia Chương trình ETEP, tiếp tục hỗ trợ kĩ thuật và giám sát các trường hoàn thiện Kế hoạch chiến lược, xây dựng và triển khai Thỏa thuận thực hiện Chương trình để phát triển nhà trường theo Kế hoạch chiến lược của mình nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình ETEP. Kinh nghiệm này sẽ được nhân rộng để áp dụng cho việc nhận diện năng lực và hỗ trợ sự phát triển của các trường sư phạm khác trong hệ thống các trường sư phạm Việt Nam./.
Nhiều câu hỏi phía sau chuyện thủ khoa Sư phạm về nuôi lợn
Ít nhất 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm tham gia đứng lớp