Phạt và tiêu tiền phạt

Vi phạm bị phạt là đúng, nhưng sử dụng đồng tiền phạt ấy như thế nào là chuyện cần phải bàn. Sử dụng tiền phạt vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có những vấn đề cần được đặt ra.

Hơn 2.500 tỷ đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông của năm 2011 được Bộ Tài chính để lại cho các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó, cảnh sát giao thông được sử dụng đến 70%. Vi phạm bị phạt là đúng, nhưng sử dụng đồng tiền phạt ấy như thế nào là chuyện cần phải bàn.

Năm 2011, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là 2.540 tỉ đồng. 70% trong số đó trích cho lực lượng công an, 10% cho thanh tra giao thông, 10% cho Ban An toàn giao thông, và 10% cho các lực lượng khác. Việc để lại số tiền này, theo lý giải của Bộ Tài chính, là đúng với quy định tại Nghị định 124/2005 của Chính phủ và Thông tư 89/2007 của Bộ Tài chính. Nhưng việc làm này có đúng với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Luật Ngân sách Nhà nước hay không thì Bộ Tài chính lại không lý giải được.

Xử phạt một trường hợp vi phạm luật giao thông ở Hà Nội (Ảnh: ANTĐ).

Quanh việc sử dụng tiền phạt vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có những vấn đề cần được đặt ra.

Thứ nhất, ai cũng hiểu các chiến sĩ cảnh sát giao thông vất vả như thế nào trong điều kiện thời tiết, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông của nước ta hiện nay. Nhưng là người thực thi nhiệm vụ họ đã được hưởng mức lương theo quy định. Ngoài ra là phụ cấp nghề nghiệp đặc thù, và các khoản phụ cấp khác. Vậy nên, nếu so với công chức, viên chức khác thì rõ ràng, việc sử dụng tiền phạt của lực lượng cảnh sát giao thông là hoàn toàn không công bằng.

Thứ hai, việc người xử phạt được sử dụng tới 70% tiền phạt, dễ  tạo nên sự không minh bạch, không lành mạnh và nảy sinh tiêu cực trong lực lượng có quyền xử phạt. Dư luận đã nhiều lần đặt câu hỏi, vì sao lại giao chỉ tiêu cho cảnh sát giao thông trong một năm phải xử phạt bao nhiêu vụ vi phạm giao thông, năm sau thường cao hơn năm trước? Thực tế cho thấy, số vụ vi phạm tăng nhưng số vụ tai nạn giao thông không giảm, ý thức của người tham gia giao thông không tăng lên, mà chỉ tăng số lượng tiền phạt. Lấy tiền bồi dưỡng từ tiền phạt sẽ tạo ra một tâm lý là người có thẩm quyền xử phạt chỉ “thích” phạt nhiều hơn. Mà lẽ ra giảm tai nạn và giảm dần vi phạm mới là cái đích chúng ta cần hướng tới.

Thứ ba, theo giải trình của lực lượng cảnh sát giao thông, số tiền phạt được trích lại ấy dùng để mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công việc, khen thưởng những người hoàn thành tốt nhiệm vụ và một phần nhỏ để tăng thêm thu nhập cho cảnh sát giao thông. Lý giải như thế trong trường hợp này cũng là thiếu thuyết phục. Bởi, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác của ngành đã được chi từ ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước cũng có những khoản chi cho việc khen thưởng cá nhân, tập thể xuất sắc.

Trong khi đó, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính quy định: Tiền phạt thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Luật Ngân sách Nhà nước cũng quy định: Toàn bộ số tiền phạt phải nộp vào ngân sách Nhà nước và phân chia theo quy định chung của Luật Ngân sách Nhà nước. Như vậy, việc sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông như thời gian vừa qua là chưa đúng với quy định của pháp luật.

Tiền phạt không phải là tiền thuế. Mục đích của việc phạt tiền là để răn đe người vi phạm, không phải thu của người vi phạm để phục vụ lực lượng xử phạt. Do đó, theo đúng quy định của pháp luật, toàn bộ tiền phạt, tiền phí do mọi cơ quan Nhà nước thu được phải nộp về Kho bạc Nhà nước và sử dụng như thế nào là có sự phân bổ căn cứ theo nhu cầu thực tiễn và nguồn vốn ngân sách.

Để tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đồng thời, việc xử phạt và sử dụng đồng tiền phạt ấy phải theo đúng quy trình, quy định của pháp luật và phải công khai, minh bạch. Muốn vậy, cần phải có cơ chế giám sát việc thực hiện, tránh những hiện tượng tiêu cực nảy sinh từ chính cơ chế thực hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên