Quốc hội sát dân, sát cuộc sống

(VOV) -Nói ngắn gọn, nhưng các đại biểu của dân đã nói được nhiều vấn đề mà dân quan tâm, không ít vấn đề bức xúc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân chủ trì phiên họp thảo luận tình hình kinh tế xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013 tại hội trường được phát thanh, truyền hình trực tiếp đã điều hành dứt khoát mỗi đại biểu nói trong 5 phút  không trùng lắp nội dung nên có nhiều ý kiến tham gia.

Trong một ngày (hôm nay 30/10), 48 đại biểu nêu ý kiến thẳng thắn.

Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội đã cho thấy bức tranh toàn cảnh kinh tế xã hội của đất nước trong thời kỳ nhiều khó khăn.

 

 
 Đại biểu phát biểu tại hội trường sáng 30/10 (Ảnh TTXVN)

Trên bình diện chung các đại biểu nhấn mạnh: năm 2012 có 10 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt, nhưng chưa bền vững, 5 chỉ tiêu chưa hoàn thành lại là những chỉ tiêu quan trọng. Vấn đề trách nhiệm chưa được phân tích sâu sắc.

Nói ngắn gọn, nhưng các đại biểu của dân đã nói được nhiều vấn đề mà dân quan tâm, không ít vấn đề bức xúc.

Nợ xấu đang là gánh nặng cho nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản, đình đốn sản xuất, đầu tư công dàn trải, gây lãng phí cao, tồn kho trở thành gánh nặng, tạm nhập tái xuất xăng dầu có vấn đề, lợi ích nhóm là một thực tế đáng e ngại, cảnh báo lạm phát quay trở lại, đề án phổ cập giáo dục mầm non có hiệu quả hay không khi mà nhiều nơi các em không có chỗ ngồi học, bộ máy công quyền yếu kém; đạo đức xã hội sa sút.

Nhiều đại biểu chỉ rõ những vấn đề cấp bách có địa chỉ cụ thể:

Bộ Công Thương với vấn đề tạm nhập tái xuất xăng dầu.

Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn với câu hỏi sao cứ để cho nông dân được mùa rớt giá, cảnh tượng “chặt trồng, trồng chặt” diễn ra liên miên, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, vựa cá, vựa lúa và trái cây của cả nước?

Bộ Y tế với thực trạng giá thuốc liên tục tăng chứ không giảm.

Có đại biểu vạch rõ cấu trúc của lợi ích nhóm là một bộ phận của doanh nghiệp cấu kết với một bộ phận quản lý, chính quyền để trục lợi. Vì sao nhiều ngân hàng chập chờn, đắn đo khi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân?

Có đại biểu biểu lộ lo ngại khi xã hội bất an, an toàn giao thông không bảo đảm, vệ sinh thực phẩm không an toàn, tội phạm xã hội tăng và ngày càng trẻ hóa.

Đại biểu trích dẫn ý kiến của cử tri : “Vấn đề nóng mà triển khai nguội. Vậy kết quả sẽ ra sao?”

Đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều vấn đề mới, nhưng nhiều hơn bội phần các vấn đề đã cũ, thậm chí “tồn kho” từ nhiều khóa trước.

Vấn đề không phải tô hồng hay bôi đen mà chính xác là đại biểu của dân đã tư duy phản biện, nói rõ ràng đúng tiếng nói của dân. Quan trọng hơn nữa nói thật, nói rõ những yếu kém để có hệ thống giải pháp sửa chữa khuyết điểm, yếu kém sát thực và hiệu quả hơn./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên