Quy hoạch lại các trường sư phạm để nâng cao chất lượng

VOV.VN - Thông tin này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo chuyên gia, lãnh đạo các trường sư phạm và là giải pháp để nâng cao chất lượng.

Tại buổi làm việc với trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trọng tâm đầu tiên trong phát triển nền giáo dục hiện nay là quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo.

Riêng đối với hệ thống trường sư phạm chỉ chọn 8-9 trường lớn, còn lại chỉ là cơ sở của các trường khác để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng. Thông tin này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo chuyên gia, lãnh đạo các trường sư phạm vì đây là giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Riêng đối với hệ thống trường sư phạm chỉ chọn 8-9 trường lớn, còn lại chỉ là cơ sở của các trường khác để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng. (ảnh: KT)
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 117 cơ sở đào tạo ngành sư phạm. Số lượng cơ sở đào tạo nhiều, lại phân tán khắp cả nước và có nhiều cơ quan quản lý đã dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm ra trường nhiều hơn nhu cầu thực tế.

Dự kiến đến thời điểm năm 2020, nếu vẫn giữ nguyên quy mô đào tạo như hiện nay, sẽ có khoảng 70.000 cử nhân học ngành sư phạm ra trường không tìm được việc làm.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên đang bộc lộ những hạn chế cơ bản, như: việc phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên.

Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phát triển trong tình trạng thiếu ổn định do nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên đại học, hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành sư phạm và ngoài sư phạm. Chất lượng đào tạo giáo viên không đồng đều giữa các cơ sở...

Vì vậy, việc quy hoạch lại các trường sư phạm là cần thiết để các trường đủ lực đào tạo giáo viên chất lượng cao chứ không chỉ là giảm quy mô đào tạo để giảm số sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm.

Ông Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) cho biết: “Sắp xếp ở đây phải dựa trên căn cứ là đánh giá tiềm lực, năng lực, chất lượng. Những cơ sở có tiềm lực mạnh, có chất lượng chắc chắn phải giữ lại và phát triển mạnh hơn.

Những đơn vị nào yếu kém quá thì tự nhiên cũng thấy rằng mình cần phải giải thể, mình cần phải bị chấp nhận tái cấu trúc. Điều đấy không có nghĩa là giải thể, không có nghĩa là sáp nhập một cách cơ học. Mục tiêu cao nhất là chọn điểm nhấn tốt nhất để đầu tư, quan tâm và sắp xếp như thế nào cho phù hợp, một là công ăn việc làm của viên chức, thứ 2 là đảm bảo được mục tiêu chất lượng”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng thừa cử nhân sư phạm do chúng ta không có bài toán quy hoạch hệ thống trường sư phạm, dẫn đến không có quy hoạch đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, việc sắp xếp các trường sư phạm hiện nay không chỉ là sáp nhập hay giải thể các trường sư phạm mà phải tính đến yếu tố quy hoạch đội ngũ giáo viên phù hợp với đổi mới giáo dục hiện nay.

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói: “Chủ trương sắp xếp lại trường sư phạm là cần thiết. Nhưng khi sắp xếp lại ở thời điểm này phải có sự tính toán một cách rất cụ thể. Bây giờ giữa cung và cầu phải đặt câu hỏi là có đào tạo dạy 2 buổi/ngày cho tất cả cấp học phổ thông hay không. Nếu 2 buổi/ngày khác với dạy 1 buổi/ngày hay là 1 buổi rưỡi/ngày.

Thứ 2 là quy mô lớp học của chúng ta theo xu thế thế giới hay là vẫn giữ quy mô theo quy định là tiểu học 36, THCS 40 và THPT 45. Thứ 3, chúng ta dạy toàn diện ngoại ngữ, thể thao, nghệ thuật...hay không?. Chúng ta phải có tính toán trên cơ sở đó sau đó mới tính toán giữa cung và cầu, từ đó mới tính toán sắp xếp các trường, các cơ sở dư thừa ra chúng ta phải giải quyết như thế nào”.      

Theo ông Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, việc sắp xếp để giảm số lượng trường đào tạo sư phạm là đúng nhưng nhà nước phải có chính sách để kêu gọi, thu hút, động viên những người giỏi nhất thi vào sư phạm. Giảng viên các trường sư phạm phải thực sự là những người giỏi để có thể đào tạo được những thế hệ giáo viên có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong tình hình mới.

Ông Quân nói: Để đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên cần phải quan tâm đến vấn đề đầu tiên là xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo. Việc tổ chức mô hình phương thức đào tạo giáo viên phải xuất phát từ quan điểm giáo viên là người lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp. Đội ngũ giảng viên trong các cơ sở đào tạo giáo viên cũng phải là chuyên gia trong việc đào tạo giáo viên. Việc thiết kế cơ cấu của các cơ sở đào tạo giáo viên phải dựa trên dự báo nhân lực giáo dục.

Chúng ta đang đối phó với tình trạng khủng khoảng thừa giáo viên. Nhưng chúng ta vẫn phải đặt ra khả năng đến những giai đoạn hoặc những thời điểm nào đó rất có thể rơi vào tình trạng khủng khoảng thiếu giáo viên”.

Các chuyên gia cũng khẳng định, việc sắp xếp lại các trường sư phạm nên thực hiện theo hướng tạo ra cơ chế để các trường sư phạm tự giảm chỉ tiêu đào tạo, hoặc sáp nhập, không nên cắt giảm hay dừng đào tạo đột ngột.

Mục tiêu cao nhất của việc quy hoạch này không chỉ là giảm số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp mỗi năm mà việc quy hoạch này để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút được người giỏi thi vào sư phạm. Khi sắp xếp các trường sư phạm cũng cần tính tới quy hoạch các cơ sở phục vụ việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có chứ không chỉ là các cơ sở bồi dưỡng, đào tạo mới đội ngũ giáo viên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trên 70.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp: Nhìn lại miễn giảm học phí
Trên 70.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp: Nhìn lại miễn giảm học phí

VOV.VN -Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm khiến chúng ta cần tìm lời giải cho sự đầu tư hiệu quả vào nghề được coi là cao quý nhất.

Trên 70.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp: Nhìn lại miễn giảm học phí

Trên 70.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp: Nhìn lại miễn giảm học phí

VOV.VN -Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm khiến chúng ta cần tìm lời giải cho sự đầu tư hiệu quả vào nghề được coi là cao quý nhất.

Đào tạo sinh viên sư phạm ở Việt Nam và nước ngoài khác nhau ra sao?
Đào tạo sinh viên sư phạm ở Việt Nam và nước ngoài khác nhau ra sao?

VOV.VN-Việc đào tạo sinh viên sư phạm ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới có sự khác nhau rõ nét về thời gian thực tập ở các trường phổ thông.

Đào tạo sinh viên sư phạm ở Việt Nam và nước ngoài khác nhau ra sao?

Đào tạo sinh viên sư phạm ở Việt Nam và nước ngoài khác nhau ra sao?

VOV.VN-Việc đào tạo sinh viên sư phạm ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới có sự khác nhau rõ nét về thời gian thực tập ở các trường phổ thông.

Hàng vạn sinh viên sư phạm thất nghiệp: Lỗi tại ai?
Hàng vạn sinh viên sư phạm thất nghiệp: Lỗi tại ai?

VOV.VN - Vì sao sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều mà “đầu vào” lại vẫn tuyển ồ ạt  như vậy? Lỗi tại ai?

Hàng vạn sinh viên sư phạm thất nghiệp: Lỗi tại ai?

Hàng vạn sinh viên sư phạm thất nghiệp: Lỗi tại ai?

VOV.VN - Vì sao sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều mà “đầu vào” lại vẫn tuyển ồ ạt  như vậy? Lỗi tại ai?