Rưng rưng với “Thư gửi mẹ” của cô bé lớp 6
“Có thể sau này con sẽ không sống với mẹ nữa. Có thể sau này con sẽ không còn trong vòng tay của mẹ nữa. Nhưng con mãi là con mẹ”.
LTS: Sau khi Báo VOV online đăng bài “Món quà nào cho cô giáo vùng lũ”, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi, chia sẻ sự đồng tình với tác giả. Hôm nay (12/12), Tòa soạn tiếp tục nhận được thư của cô bé Huệ Anh (tác giả bài viết), là học sinh lớp 6A4 Trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trong thư, cô bé tâm sự: “Hôm nay là sinh nhật của mẹ cháu, ngày 12/12/1968. Cháu chẳng có gì tặng mẹ, chỉ có bài viết này xin gửi đến mẹ cháu. Đây là bài tập làm văn 90 phút ở lớp. Cô giáo đã cho cháu 8,5 điểm”.
Bài văn thực sự xúc động và Tòa soạn xin được giới thiệu cùng bạn đọc.
“Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/Quê hương là cầu tre nhỏ/Con về rợp bướm vàng bay”.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng quê hương tôi ở một tỉnh thành nào đó, nơi mà tôi sinh ra và lớn lên. Nhưng không phải như bạn nghĩ đâu, quê hương của tôi là mẹ. Trái tim và tấm lòng của mẹ chính là quê hương tôi. Nơi đó, tôi đã lớn lên trong tình yêu thương của mẹ.
Tuổi 44 đã chạm lên mái tóc của mẹ. Có thể bạn thấy mẹ tôi không đẹp, nhưng với tôi mẹ là người phụ nữ đẹp nhất trên đời. Mỗi sáng, mẹ là người dậy đầu tiên để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Mẹ bảo đó là công việc mẹ thích nhất. Hôm nào cũng vậy, mẹ đi làm từ 6 giờ sáng cho tới 7 giờ tối mới về. Lúc nào trông mẹ cũng tươi tắn. Nhưng bên trong sự vui tươi đó là bao nỗi cực nhọc, mệt mỏi của công việc và gia đình đè nén lên đôi vai của mẹ.
Đôi lúc mẹ có than thở và mắng tôi, nhưng tôi biết không phải vì mẹ ghét tôi mà vì mẹ đã quá mệt mỏi. Có lúc tôi giận mẹ và nói thầm trong miệng rằng: “Con ghét mẹ, mẹ thật… ác, mẹ chẳng hiểu con gì cả...”. Tất cả chỉ vì bị mẹ mắng mà những suy nghĩ đó xuất hiện trong đầu tôi lúc đó. Bây giờ nghĩ lại sao thấy mình thật vô tâm. Tôi tự hỏi mình: “Sao mày có thể nghĩ về mẹ như thế, hả Huệ Anh? Mày là đứa con bất hiếu”. Những câu hỏi đó đã dằn vặt tôi suốt một thời gian dài. Nhìn mẹ lúc nào cũng tất bật giữa gia đình và công việc, sao mà thương mẹ thế!.
Nhớ những ngày sống với ba ngoài Hà Nội, nhìn căn nhà mới thấy lạnh lẽo biết bao. Một hôm mẹ gọi cho tôi mẹ nói: “Chiều nay mẹ đi trên đường, mẹ thấy mấy đứa nhỏ đạp xe đạp mà mẹ nhớ con quá, Chứ con không nhớ mẹ sao?...”. Tôi bất ngờ trước câu hỏi của mẹ. Tôi dường như đã cảm nhận được những giọt nước mắt đang lăn dài trên má mẹ. Tôi vội ngắt máy. Những giọt nước mắt không biết tự bao giờ đã xuất hiện trên khóe mắt tôi lúc này.
Những giọt nước mắt nóng hôi hổi, có vị mặn mà chứa bao sự yêu thương của mẹ dành cho tôi. Tôi thương mẹ quá. Tôi chưa bao giờ dám nói với mẹ một lời xin lỗi. Dù chỉ là bốn từ “Con-xin-lỗi-mẹ” mà sao thật khó. Sao bốn từ đó nghĩ rằng có thể nói ra rất dễ, nhưng chả dễ chút nào. Đối với tôi nó thật khó khăn. Dù tôi có đủ can đảm và lòng quyết tâm đi chăng nữa thì đến lúc nói cũng bị chặn ở cổ họng. Thật khó.
Những lúc mẹ khóc nhìn mẹ thật yếu đuối. Ngồi nghe mẹ kể chuyện ngày xưa nuôi tôi cực khổ thế nào, có ngiều người cười và tôi cũng thế. Nhưng trong đầu tôi lại nghĩ khác. Nghĩ vì sao lúc bé mình hư vậy, giấc ngủ của mẹ đã bị mình làm thức giấc. Đêm đêm, mẹ cất lời ru ngọt ngào đưa tôi vào giấc ngủ yên bình. Cái giọng nói đậm chất miền Trung đã theo tôi từ tấm bé tới khi là một đứa học sinh lớp 6 như bây giờ.
Ngày nào đi học về cũng được nghe cái giọng nói quen thuộc. Vắng mẹ, ngôi nhà trở nên lạnh lẽo và cô đơn tột cùng. Dù không phải nghe những câu than thở, những câu mắng của mẹ tôi nghĩ chắc thoải mái lắm. Nhưng tôi đã sai, thiếu những câu than thở, những lần mẹ mắng tôi thấy thật buồn. Khi tôi bị điểm kém mẹ cũng chẳng mắng bao giờ, mẹ chỉ nhắc nhở phải học thật tốt, không được lười học để bị điểm kém nữa. Nhưng lúc ấy tôi thấy mình thật có lỗi với mẹ.
Một hôm đi trên đường, mẹ hỏi: “Có bao giờ con nghĩ tại sao nhà mình lại khó khăn hơn nhà người khác không?”. Dù tôi nghĩ trong đầu rằng: “Nhà mình không khó khăn hơn nhà người khác đâu mẹ à, nhà mình giàu lắm, giàu lắm tình yêu thương, giàu lắm ngọn lửa ấm áp gia đình”. Nhưng thật lạ tôi chỉ thốt lên một từ “không” một cách vô nghĩa.
Thời gian trôi qua, bao nỗi nhọc nhằn đã hóa thành nếp nhăn hằn lên đôi mắt của mẹ. Đôi lúc đôi mắt ấy cũng ngấn lệ buồn. Đôi mắt ấy chứa chan bao nỗi cực nhọc, khó khăn trong cuộc sống. Đôi bàn tay mẹ bây giờ đã có nhiều vết chai sần và những vết đứt trong khi làm bếp.
Bàn tay mẹ thật ấm áp. Chính bàn tay ấy đã bao bọc và bảo vệ con trước những cái xấu của xã hội. Con sinh ra như chú chim non. Chú chim ấy bây giờ bắt đầu tập bay. Ban đầu con có vấp ngã nhưng mẹ đã dạy con rằng, phải biết tự đứng dậy sau vấp ngã. Mẹ đã dẫn dắt con đi trên con đường đầy chông gai này. Mẹ đã hy sinh tất cả vì con.
Mẹ yêu, có lẽ con chưa đủ can đảm để nói với mẹ rằng: “Con yêu mẹ, con xin lỗi mẹ vì đã có lỗi với mẹ quá nhiều”. Con cảm ơn mẹ vì đã sinh con ra trên đời này. Cảm ơn mẹ đã nuôi nấng con nên người. Cảm ơn mẹ đã hy sinh tất cả vì con. Có thể sau này con sẽ tự bay bằng chính đôi cánh của mình. Có thể sau này con sẽ không sống với mẹ nữa. Có thể sau này con sẽ không còn trong vòng tay của mẹ nữa. Nhưng con mãi là con mẹ. Con yêu mẹ, mẹ yêu của con”.
Chúc mừng sinh nhật mẹ, mẹ hãy sống thật vui vẻ mẹ nhé.
Con của mẹ
Nguyễn Huệ Anh./.