Rườm rà tiêu ma… tiền tỷ
Không ai ngờ, rườm rà có thể tiêu ma tiền tỷ, thậm chí… hàng nghìn tỷ đồng.
Theo từ điển Tiếng Việt “rườm rà” có nghĩa: “rậm rạp” (cây cối rườm rà) hoặc có nghĩa “vướng víu nhiều yếu tố không cần thiết” (câu văn rườm rà). Trong giao tiếp xã hội, từ “rườm rà” thường được sử dụng trong cảnh huống trách cứ nhẹ nhàng, hoặc quá lắm, cũng chỉ ở mức thể hiện một sự bực bội vì bị làm phiền. Không ai ngờ, rườm rà có thể tiêu ma tiền tỷ, thậm chí… hàng nghìn tỷ đồng.
Chuyện được xác tín bởi Báo cáo giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương năm 2005 – 2007” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo báo cáo này, chính thủ tục rườm rà đã gây lãng phí rất lớn.
Về thủ tục, báo cáo nêu rõ, qui trình thủ tục đấu thầu chiếm nhiều thời gian, việc áp dụng chỉ định thầu còn rườm rà, quá nhiều thủ tục không cần thiết. Một số địa phương còn tự đặt ra các thủ tục trái với qui định của Chính phủ. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, qua rà soát thủ tục của 3 loại dự án là dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cho thấy, một số địa phương tự đặt ra 8 loại thủ tục khác nhau, cần phải bãi bỏ. Một số dự án khu đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để có được giấy phép, cần lần lượt bước qua… 33 thủ tục hành chính. Hầu hết công trình ở địa phương là công trình có qui mô nhỏ nhưng yêu cầu về thủ tục, hồ sơ thì vẫn “y chang” công trình có qui mô lớn.
Về lãng phí, trước hết là lãng phí thời gian, tiếp theo là lãng phí tiền của vật chất. Do thủ tục quá rườm rà, dự án kéo dài thời gian, dẫn đến lãng phí rất lớn. Năm 2005, do rườm rà thủ tục mà có 2.289 dự án bị chậm tiến độ. Năm 2006 là 3.595 dự án chậm tiến độ. Năm 2007, con số đó là 3.979 dự án. Thống kê ở các địa phương cho thấy, tổng cộng thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến thời điểm khởi công đối với dự án nhóm A là 42 tháng; nhóm B là 29 tháng; nhóm C là 23 tháng. Chỉ tính riêng dự án nhóm C, cả nước có 13.000 dự án, mỗi dự án mất đứt 2 năm thủ tục, thử hỏi hiệu quả đồng vốn ở đâu? Tính ra, chính vì thủ tục rườm ra mà mỗi năm chậm giải ngân tới 50.000 đến 70.000 tỉ đồng.
Để thấy rõ hơn cái nguy hại của thủ tục rườm rà, xin kết lại câu chuyện này bằng 2 ví dụ cụ thể để bạn dễ hình dung. Một là, dự án Nhà máy đạm Cà Mau, do phải đấu thầu nên thời gian hoàn thành chậm 2 năm, mức vốn đầu tư tăng lên 900 triệu USD; nếu chỉ định thầu thì có thể tiết kiệm được 400 triệu USD, công nghệ thiết bị lại tiên tiến hơn. Hai là, dự án Cầu Thanh Trì và tuyến Nam vành đai 3 Hà Nôi, tổng vốn đầu tư 7.660 tỉ đồng, do chậm trễ, tính ra phải trả 1,5 tỉ đồng lãi vay/ngày./.