Sẽ kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Sắp tới, chúng ta sẽ có những cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục ĐH độc lập, ngoài ngành Giáo dục.  

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật giáo dục đại học (ĐH). Trong Dự án Luật này đề cập đến việc sàng lọc chất lượng hoạt động của các trường ĐH. Phóng viên VOV Online phỏng vấn ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Người học sẽ là nhân tố quan trọng đánh giá chất lượng giáo dục của các trường ĐH

PV: Xin ông có thể cho biết những nội dung trọng tâm được đề cập đến trong dự án Luật Giáo dục ĐH?

Ông Đào Trọng Thi: Nội dung được Chính phủ đề cập đến trong dự án Luật Giáo dục đại học (ĐH) là vấn đề tạo điều kiện cho các trường ĐH ngoài công lập phát triển, cơ sở giáo dục phi lợi nhuận và cơ sở vì lợi nhuận một cách hợp lý hoạt động.

Hiện nay, nhu cầu về học tập của xã hội rất cao và phong phú. Nhà nước không thể có đủ kinh phí để đầu tư hết cho phát triển giáo dục. Vì vậy, việc mở rộng các trường ĐH ngoài công lập cũng nhằm kêu gọi hoạt động xã hội hoá giáo dục, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư cho giáo dục ĐH vì lợi nhuận hợp lý.

Bộ Giáo dục-Đào tạo cho phép mở rộng các trường ĐH ngoài công lập nhưng cũng chỉ cho phép các trường ĐH ngoài công lập đảm bảo chất lượng hoạt động.

PV: Khi cho phép một trường ĐH nào đó thành lập thì có nghĩa là họ đủ năng lực tài chính để tự chủ, nhưng tại sao trong dự án Luật lại chỉ có phép giới hạn tự chủ, thưa ông?

Ông Đào Trọng Thi: Bởi vì chúng ta cần phải có sự quản lý của Nhà nước đối với các trường ĐH. Mở rộng các trường ĐH ngoài công lập nhưng vẫn phải dưới sự kiểm soát của ngành Giáo dục.

Ông Đào Trọng Thi

Việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH phải dựa trên sự quản lý, năng lực, chất lượng hoạt động thực sự của các trường như thế nào. Như vậy là trường nào có chất lượng giáo dục tốt, khả năng tài chính thì sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại.

Hiện tại, chúng ta không thể đổ đồng giao quyền tự chủ cho các trường ngay cùng một lúc vì phải xem xét quá trình hoạt động cho các trường như thế nào. Có như thế thì các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và nâng cao chất lượng vì người học. Quá trình giao quyền tự chủ cho các trường phải có quá trình và sẽ không phải theo cơ chế xin-cho nữa.

PV: Như vậy là việc giao quyền tự chủ cho các trường sẽ dựa vào chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc đánh giá chất lượng của các trường sẽ như thế nào khi mà hiện nay nhiều người cho rằng, sự kiểm định của ngành Giáo dục không khách quan, thưa ông?

Ông Đào Trọng Thi: Chất lượng của các trường ĐH sẽ được đánh giá thông qua việc kiểm định chất lượng. Sắp tới, chúng ta sẽ có những cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục ĐH độc lập, ngoài ngành Giáo dục. Các cơ sở này sẽ có những đánh giá toàn diện, khách quan về chất lượng của các trường. Như vậy, trường nào hoạt động tốt, được xã hội thừa nhận thì sẽ được giao quyền tự chủ nhiều.

PV: Trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua, nhiều trường ĐH ngoài công lập kêu ca là không tuyển đủ số lượng thí sinh và có nguy cơ phải đóng cửa. Liệu chúng ta sẽ giải quyết đối với những trường này như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Trọng Thi: Những trường không tuyển đủ thí sinh hoặc không có người học đã cho thấy, xã hội, người học không thừa nhận chất lượng giáo dục của họ. Bởi vậy, những trường này cần phải nghĩ tới việc phải tự đổi mới, cải tiến chất lượng. Nếu không họ tự bị sàng lọc một cách tự nhiên, chứ không cần các cơ quan quản lý về giáo dục phải giải quyết.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên