Sẽ trình Chính phủ về chương trình giảm tải sách giáo khoa
Việc giảm tải chương trình sẽ dựa trên yêu cầu phát huy tính sáng tạo, tự học của học sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.
Năm học mới 2011-2012, Bộ Giáo dục - Đào tạo đặc biệt ưu tiên cho việc thực hiện đề án giảm tải chương trình trong sách giáo khoa cho các bậc học từ Tiểu học, THCS đến THPT. Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đưa ra tại buổi họp báo chiều 31/8 tại Hà Nội.
Theo đó, việc giảm tải sẽ được lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên, ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa và đông đảo người dân. Việc giảm tải sẽ dựa trên yêu cầu phát huy tính sáng tạo, tự học của học sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, khắc phục được tình trạng “thầy đọc trò chép”, kiến thức trong sách giáo khoa quá dài và phổ rộng. Chương trình giảm tải sách giáo khoa cũng sẽ góp phần khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Ngoài ra, việc giảm tải chương trình phải đảm bảo phân phối chương trình một cách có hệ thống, tập trung vào những nội dung khiến cho học sinh dễ nhớ, hiểu bài nhanh. Sự phân phối chương trình chi tiết sẽ được các Sở Giáo dục-Đào tạo hướng dẫn tới các trường.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị và người dân, Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ trình Chính phủ về chương trình giảm tải sách giáo khoa trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2015.
Ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho biết: Đối với những khoản đóng góp được thoả thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác nuôi, dạy học sinh như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống… yêu cầu nhà trường phải thoả thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.
Mức thu phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do cuộc họp đầu năm của cha mẹ học sinh quyết định, không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối học kỳ, cuối năm học.
Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng khuyến khích sự đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường. Việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp cần đáp ứng các nguyên tắc và yêu cầu của Bộ đề ra. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phải tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán các khoản đóng góp tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật; không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc phụ huynh, học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện./.