Sở GD-ĐT Hòa Bình lý giải lập biên bản chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài
VOV.VN -Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình lý giải về việc lập một số biên bản trong khi thực hiện các bước chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài.
Kết quả chấm thẩm định thi THPT Quốc gia 2018 ở tỉnh Hòa Bình, Bộ GD-ĐT công bố không có sai phạm trong việc nâng điểm cho thí sinh nhưng Hội đồng chấm thẩm định chỉ ra việc lập một số biên bản trong khi thực hiện các bước chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài.
Phóng viên báo Điện tử VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình sau khi có kết luận của Bộ.
Trụ sở của Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình |
PV: Bộ GD-ĐT vừa công bố kết quả chấm thẩm định thi THPT Quốc gia 2018 ở tỉnh Hòa Bình. Mặc dù không phát hiện ra sai phạm nâng điểm nhưng Hội đồng chấm thẩm định cũng đã chỉ ra việc lập một số biên bản trong khi thực hiện các bước chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài. Xin ông cho biết vì sao lại có bất cập này?
Ông Nguyễn Đức Lương: Khi nhận được thông tin, tỉnh Hòa Bình có bất thường về điểm thi THPT Quốc gia 2018, Sở GD-ĐT tỉnh đã báo cáo với UBND tỉnh và Bộ GD-ĐT rồi xin ý kiến chỉ đạo của Bộ.
Ngày 20/7, Bộ GD-ĐT đã chấm thẩm định bài thi THPT Quốc gia của tỉnh Hòa Bình.
Đến ngày 22/7, Hội đồng chấm thẩm định rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8,0 điểm trở lên đối với các môn thi trắc nghiệm để tổ chức chấm thẩm định.
Kết quả chấm thẩm định cho thấy, 100% bài thi đã chấm thẩm định trùng khớp với kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với kết quả do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hòa Bình đã công bố ngày 11/7/2018.
Ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử VOV |
Tuy nhiên, Hội đồng chấm thẩm định chỉ ra việc lập một số biên bản trong khi thực hiện các bước chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài nên Hội đồng cũng đã kiến nghị đối với Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hòa Bình rút kinh nghiệm trong việc lập biên bản khi thực hiện các bước của quá trình chấm thi trắc nghiệm.
Khi thực hiện lập biên bản trong việc chấm thi trắc nghiệm, có rất nhiều lô biên bản và có biên bản nhỏ ở bên trong. Trong số các biên bản nhỏ đó có biên bản còn sơ sài.
Ở 402 phòng thi ở Hòa Bình, các bài thi được đóng niêm phong thành từng túi. Trong quá trình thực hiện các bước mở, đóng nhiều túi niêm phong có thể do cán bộ mệt mỏi nên việc lập một số biên bản khi thực hiện các bước của quá trình chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài, chưa được kỹ lưỡng.
Trước lưu ý của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT cũng đã rút kinh nghiệm và thực hiện theo đề xuất, kiến nghị của Bộ sao cho việc lập biên bản phải kỹ càng, khoa học hơn theo đúng quy chế thi nhằm đảm bảo tổ chức kỳ thi ở những năm tới tốt hơn.
Học sinh đạt điểm cao không phải là con em lãnh đạo tỉnh
PV: Trước khi có kết luận thẩm tra thi THPT Quốc gia, một số chuyên gia và dư luận xã hội cho rằng, kết quả thi của tỉnh có dấu hiệu của việc tăng điểm. Và một số thí sinh được nâng điểm là con của cán bộ có chức vụ, gia đình khá giả. Ông có thể làm sáng tỏ những nghi vấn trên?
Ông Nguyễn Đức Lương: Kết quả chấm thẩm định bài thi THPT Quốc gia của Bộ GD-ĐT đã đề cập rõ về thực chất điểm thi của các em học sinh và việc chấm thi của tỉnh Hòa Bình.
Còn trước nghi vấn về điểm thi của một số em học sinh là con của cán bộ có chức vụ, gia đình có thu nhập cao, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình phải giải thích rõ hơn.
Hòa Bình là tỉnh miền núi nhưng trong những năm qua đã có nhiều học sinh tham dự và đạt học sinh giỏi quốc gia. Những năm trước, việc tổ chức và chấm bài thi do các trường ĐH thực hiện, nhiều học sinh là con em dân tộc ở Hòa Bình đạt điểm rất cao, có những thí sinh đạt 2 điểm 10 và có học sinh đạt trên 27 điểm 3 môn thi, đạt thành tích là học sinh giỏi xuất sắc 12 năm liền.
Những bài thi đạt điểm cao không tập trung ở một nơi mà rải rác ở tất cả các điểm thi. Học sinh đạt điểm cao đều là ở nhiều trường học khác nhau.
Tôi khẳng định, số lượng thí sinh đạt điểm cao ở Hòa Bình không phải là con em lãnh đạo UBND, Sở GD-ĐT tỉnh.
Đây là những học sinh có thành tích học tập, rèn luyện tốt, con ngoan trò giỏi và là con em của cán bộ công chức, viên chức, những người lao động bình thường.
PV: Ông có thể cho biết kết quả thẩm tra thi THPT Quốc gia ở Hòa Bình đã tác động đến người dân như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Lương: Sau khi chấm thẩm định, Bộ GD-ĐT khẳng định, Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình đã thực hiện theo quy trình chấm thi của quy chế và hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT; có đủ các thành phần quy định: Ban Chấm thi, Ban Thư ký, các Tổ chấm thi, công an; công tác thanh tra, giám sát chấm thi thực hiện theo quy định.
Các phiếu trả lời trắc nghiệm gốc trong túi đựng bài thi, file ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh trên máy tính bảo đảm đúng quy định. Các bài thi của học sinh đều đủ chữ ký của thí sinh và của cán bộ coi thi phòng thi đó.
Với kết luận thanh tra trên, các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh và người dân tỉnh Hòa Bình đã hoàn toàn tin tưởng vào ngành giáo dục của tỉnh. Lòng tin của người dân đang dần được củng cố vào ngành giáo dục.
Sai phạm là ở yếu tố con người
PV: Từ những sai phạm và nghi vấn sai phạm trong chấm thi ở tỉnh Hà Giang, Sơn La, xin ông cho biết ý kiến của mình?
Ông Nguyễn Đức Lương: Những sai phạm và nghi vấn sai phạm trong chấm thi ở tỉnh Hà Giang, Sơn La là do địa phương đó chưa thực hiện nghiêm túc quy chế thi mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Sai phạm ở đây là do yếu tố con người gây ra.
PV: Từ những sai phạm trong việc chấm thi ở Hà Giang, Sơn La, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ thực hiện việc xét tốt nghiệp THPT và giao lại việc tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Lương: Trước những ý kiến trên, Bộ GD-ĐT cần tổng kết, rà soát lại những mặt tích cực, hạn chế của việc thực hiện kỳ thi “2 trong 1” trên toàn quốc để có phương hướng tổ chức thi trong thời gian tới tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Công bố kết quả chấm thẩm định thi THPT Quốc gia 2018 ở tỉnh Hòa Bình
Gian lận thi THPT Quốc gia 2018: Có nên tiếp tục kỳ thi “2 trong 1”?