Sở Giáo dục Hà Nội nói gì về chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập?
VOV.VN-Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập ở Hà Nội không giảm nhưng tại các trung tâm giáo dục thường xuyên giảm xuống 1.000 chỉ tiêu.
Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội. Hiện học sinh THCS đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi chuyển sang cấp học cao hơn. Tuy nhiên, việc biết được chỉ tiêu tuyển sinh năm nay sẽ góp phần quan trọng trong việc quyết định chọn trường phù hợp với năng lực học tập của các em.
Để giúp học sinh và phụ huynh rõ hơn về việc tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội).
Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập ở Hà Nội không giảm (ảnh minh họa) |
PV: Xin ông cho biết chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm nay được Sở GD-ĐT Hà Nội phân bổ như thế nào?
Ông Ngô Văn Chất: Theo quyết định của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, trong số 81.500 học sinh từ lớp 9 thi lên lớp 10 năm nay có khoảng 60% số em học trường THPT công lập. Số còn lại sẽ dành cho trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp và THPT ngoài công lập.
So với năm 2015, số học sinh từ lớp 9 thi lên lớp 10 năm nay giảm khoảng 4.000 học sinh. Do vậy, sức ép vào các trường THPT công lập giảm hơn so với năm ngoái nên số lượng, cơ hội để học sinh vào các trường công lập sẽ nhiều hơn vì số chỉ tiêu vào các trường công lập là không thay đổi. Như vậy, không có chuyện thiếu hụt chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10.
Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập không thay đổi thì năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội giảm 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trung tâm giáo dục thường xuyên (từ 8.700 xuống còn 7.700).
PV: Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định giảm sĩ số ở mỗi lớp học đang khiến cửa trường công thêm chặt đối với các em học sinh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Văn Chất: Trong điều lệ nhà trường quy định, mỗi lớp học ở cấp THPT có khoảng 45 học sinh. Tuy nhiên, ngành Giáo dục nhận thấy muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì cần giảm sĩ số ở lớp học xuống dần (từ 45 học sinh xuống còn 43 em) và những năm gần đây là 40 học sinh/lớp.
Lộ trình giảm sĩ số đã thực hiện từ nhiều năm nay chứ không phải là năm nay mới giảm nên việc làm này không ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 các trường công lập của học sinh.
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) |
PV: Như ông đã nói ở trên, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trung tâm giáo dục thường xuyên năm nay giảm khoảng 1.000 chỉ tiêu (từ 8.700 xuống còn 7.700 chỉ tiêu). Vì sao ngành Giáo dục Thủ đô lại quyết định giảm nhiều như vậy?
Ông Ngô Văn Chất: Trong những năm gần đây, nhiều học sinh ở những khu vực khó khăn nên đã chọn trung tâm giáo dục thường xuyên để học vì học phí thấp. Vì vậy, các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.
Việc giảm 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trung tâm giáo dục thường xuyên là nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường THPT ngoài công lập thực hiện tuyển sinh.
PV: Thưa ông, hiện nay, học sinh học ở các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên đều có bằng tốt nghiệp THPT như nhau. Tuy nhiên, học sinh học THCS đều phải thực hiện thi tuyển vào lớp 10 nhưng có nhiều học sinh đăng ký học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên lại không phải thi. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự bất cập lớn đối với việc thi tuyển vào lớp 10. Xin ông giải thích rõ vì sao lại không tổ chức thi tuyển cho học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên?
Ông Ngô Văn Chất: Mục tiêu của nước ta là phổ cập giáo dục THPT nên đã tạo mọi điều kiện cho tất cả học sinh, đối tượng được học chương trình THPT. Tuy nhiên, ngành Giáo dục cũng đảm bảo sự phân luồng học sinh nên những học sinh nào không đỗ được các trường THPT đều có thể vào các trường trung cấp nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Trung tâm giáo dục thường xuyên được mở ra là tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả đối tượng vào học. Ngoài việc học văn hóa, các em có thể học thêm nghề. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chứ không bắt ép tất cả học sinh tốt nghiệp THCS phải vào học THPT.
Trung tâm giáo dục thường xuyên là dành cho những đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn và những người đang đi làm hoặc những người vừa học vừa làm. Vì thế, những đối tượng này không phải thi vào THPT.
PV: Mặc dù ngành Giáo dục Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình trường được phát triển, trong đó có các trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, hiện nay có một số trường tuyển được rất ít hoặc không tuyển được học sinh mặc dù có cơ sở vật chất khá tốt. Theo ông vì sao lại như vậy?
Ông Ngô Văn Chất: Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 được đảm bảo tỷ lệ giữa các loại hình trường và dựa trên cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để Sở GD-ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh.
Nếu trường THPT ngoài công lập nào có cơ sở vật chất tốt nhưng không tuyển được học sinh thì phải xem lại đã đáp ứng được về đội ngũ giáo viên giảng dạy có tốt không để có phương thức thay đổi sao cho phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh là muốn con em được học trong môi trường giáo dục hoàn hảo.
Bên cạnh việc giao chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội còn chú trọng đến việc thanh, kiểm tra hoạt động giáo dục ở các trường học. Nếu trường nào không đảm bảo các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên thì Sở sẽ không giao chỉ tiêu cho trường đó nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!/.