Sự cố mất điện phía Nam: Đang thiếu giải pháp dự phòng
(VOV) -Các giải pháp về kỹ thuật đưa ra lại mắc về vốn hoặc trông chờ nhiều vào sự may rủi.
Về sự cố mất điện trên diện rộng xảy ra hôm 22/5 vừa qua, ngành điện và cả các chuyên gia trong lĩnh vực này nói rằng sẽ không thể nói trước là tương lai sẽ không xảy ra những chuyện tương tự.
Giải pháp kỹ thuật đã được tính đầy đủ?
Với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, ông Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam khẳng định: “Nói về phương diện thiết bị, kỹ thuật, thiết kế đường dây thì không có lỗi gì cả. Tuy nhiên, qua sự cố này có thể rút ra bài học để trong tương lai những sự cố tương tự không tái diễn. EVN cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà khoa học sẽ phân tích, đánh giá nguyên nhân, hậu quả, cũng như giải pháp cần phải tăng cường”.
Đã từng xảy ra nhiều vụ vi phạm an toàn đường dây 500 kV (ảnh Tuổi trẻ) |
Giải pháp được nhiều người bàn tới là cần xây dựng thêm những đường truyền tải phụ. Khi một đường chính bị sự cố thì các đường phụ này có thể đưa vào vận hành, không để xảy ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Được biết, những năm đầu, đường dây 500kV chỉ có một mạch duy nhất đi từ Bắc vào Nam. Sau đó ngành điện xây tiếp mạch thứ hai song song. Gần đây đã có những dự án phát triển thêm, ví dụ đoạn khu vực phía Nam để làm mạch thứ 3 và có thể tăng thêm một số mạch nữa. Hoặc quanh khu vực phụ tải lớn, quan trọng như Hà Nội, TP HCM thì hình thành một mạch vòng. “Như vậy, yếu tố về độ tin cậy và dự phòng đã được xét đến một cách nghiêm túc khi quy hoạch, thiết kế, xây dựng đường dây” – ông Long cho biết.
Ngoài ra, theo đại diện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) giải pháp cho an toàn đường dây tải điện 500kV là phải có những nhà máy điện lớn ở khu vực để tránh truyền tải công suất lớn trên đường dây. Tuy nhiên, ngành điện lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn.
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn cho an toàn lưới điện và vấn đề an ninh quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng, với trình độ tiên tiến, giải pháp quản lý ở nhiều nước thì những sự cố như vừa rồi chỉ xảy ra ở diện hẹp. Bên cạnh đó, Chính phủ phải có quy chế đặc biệt đối với quản lý lưới điện.
Trông chờ vào ý thức con người
Cũng giống như khi tham gia giao thông, việc có giảm thiểu được tai nạn giao thông hay không tùy thuộc vào ý thức người đi đường. Với đường dây tải điện cũng vậy, nếu ý thức người dân kém thì cũng khó tránh khỏi các sự cố tương tự.
Theo báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, trong năm 2012, có 7 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện xuất phát từ các hành vi thả diều, phương tiện giao thông và thi công công trình vi phạm độ cao cho phép, tàu thuyền đi không đúng luồng lạch gây sự cố hệ thống truyền tải điện trên hệ thống.
Trở lại vụ việc hôm 22/5 vừa qua, theo ông Trần Đình Long “sự cố xảy ra liên quan đến ý thức của những người làm việc xung quanh công trình đó. Họ đã không nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm, về những giải pháp an toàn”.
Ai cũng biết, đây là sự cố vi phạm nghiêm trọng khoảng cách an toàn đường dây tải điện 500kV Bắc Nam. Sự cố này cho thấy nguy cơ mất an toàn đối với đường dây 500kV vẫn còn tiềm ẩn.
Về phía những người làm nhiệm vụ bảo vệ đường dây, mới đây nhất, Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia đã có thư ngỏ gửi toàn thể cán bộ công nhân viên quản lý vận hành các trạm biến áp 220-500kV. Ông Nguyễn Mạnh Hùng lấy làm tiếc khi thời gian gần đây, tình hình sự cố Trạm biến áp do các nguyên nhân chủ quan có chiều hướng gia tăng, phổ biến là do không tuân thủ quy trình vận hành, không ghi chép hoặc ghi chép không đầy đủ, các bước thao tác không tuân thủ qui trình, phiếu thao tác và những qui định riêng của từng đơn vị. Những sự cố này không những ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng đến đời sống xã hội sinh hoạt của nhân dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín và quá trình xây dựng phát triển đi lên của ngành điện.
Với các giải pháp an toàn đã và đang được xây dựng cho lưới điện nói chung và đường dây 500kV Bắc Nam nói riêng, không ai dám khẳng định 100% trong tương lai sẽ không bao giờ lặp lại sự cố. Theo ông Long, không chỉ hệ thống điện của Việt Nam mà cả hệ thống điện của các nước tiên tiến trên thế giới cũng xảy ra những sự cố mất điện toàn hệ thống hoặc dã lưới trong thời gian hàng chục tiếng đồng hồ. Vì thế, việc cần làm là đề ra những giải pháp để giảm thiểu nguy cơ chứ không thể khẳng định sẽ không bao giờ xảy ra chuyện này. “Mấy ông vận tải, container siêu trường, siêu trọng đâm đổ cột điện, va chạm vào cột điện… đấy là những trường hợp bất khả kháng” – ông Long nêu ví dụ.
Sau vụ việc này, ngành điện, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá đâu là nguyên nhân chủ quan, khách quan để từ đó có những giải pháp phù hợp tăng hiệu quả hoạt động mạng lưới điện quốc gia./.