Sữa nhiễm khuẩn: Bao giờ hết "sống trong sợ hãi"?

VOV.VN -Độc tố trong sữa không lập tức gây hại mà ủ bệnh trong cơ thể trẻ em, còn phát tác lúc nào thì… chưa rõ.

Những lo lắng từ vụ việc một số trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin chưa kịp lắng xuống, những gia đình có trẻ nhỏ lại tiếp tục “dậy sóng” với sự kiện các nhãn sữa Abbott, Karicare, Dumex bị thu hồi sản phẩm vì nghi nhiễm độc.

Dù đã thu hồi được lượng đáng kể song số sữa đã bán trên thị trường vẫn lên tới hàng nghìn thùng, đồng nghĩa hàng nghìn gia đình đã cho con em mình sử dụng sản phẩm.

Theo kết luận ban đầu, độc tố trong sữa không lập tức gây hại mà ủ bệnh trong cơ thể trẻ em, còn phát tác lúc nào thì… chưa rõ. Vậy nên, những ai đã trót mua và trót sử dụng thì quãng thời gian “sống trong sợ hãi” chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Điều đáng nói là sự việc chỉ được phát hiện khi chính nhà sản xuất phát ra cảnh báo, còn các cơ quan chức năng trong nước cũng như người tiêu dùng đều “mù” thông tin về chất lượng sản phẩm. Mà với thị trường sữa bột cho trẻ em Việt Nam, khi đa số các sản phẩm đều là nhập khẩu; trong trường hợp nhà sản xuất tham lợi nhuận, chẳng có gì đảm bảo các sản phẩm sữa còn lại không có thành tố nhiễm độc.

Với các thị trường trên thế giới, việc nhà sản xuất tung ra một sản phẩm rồi vội vã thu hồi không phải là chuyện quá hiếm. Chẳng phải có những doanh nghiệp sản xuất ô tô, vì một lỗi kỹ thuật nào đấy đành “cắn răng” chịu lỗ, thu về hàng nghìn chiếc xe vừa được tung ra thị trường đó sao. Vậy nên, trên một tờ báo nọ, vị Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã tỏ ra rất bình thản: “Chỉ có người Việt Nam mình chưa quen với việc này, chứ ở các quốc gia phát triển, chỉ cần có một khâu bị lỗi là họ thu hồi ngay”.

Tuy nhiên, ở trường hợp này, việc nhà sản xuất “thu hồi ngay” chưa phải là đã hết nguy hại. Với thị trường sữa Việt Nam, các doanh nghiệp “đầu mối” chỉ là nhà phân phối, nhập khẩu; hoàn toàn không tỏ tường về chất lượng sản phẩm. Nhà sản xuất nói sao thì đại lý nói vậy. Mà một khi doanh nghiệp trung gian không hiểu hết về sản phẩm thì người tiêu dùng chỉ có sự lựa chọn duy nhất là “mua đại” trong niềm tin rất đỗi ngây thơ rằng giá cả tỉ lệ thuận với chất lượng. Rồi vừa cho con em mình sử dụng, vừa phấp phỏng lo âu. Không ngạc nhiên khi cách đây chưa lâu, rất nhiều ông bố, bà mẹ đã tá hỏa khi báo chí phanh phui một loạt sự việc, như chuyện sản phẩm sữa của công ty nào đó có “sinh vật lạ”…

Một câu hỏi được đặt ra là, ai hay tổ chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về hàng nghìn sản phẩm sữa gây hại? Chắc chắn đây sẽ là câu chuyện dài bởi nhà sản xuất ở mãi… New Zealand. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp nhà sản xuất ở trong nước thì chúng ta vẫn hình dung được phần nào đường đi của “quả bóng trách nhiệm”: sẽ “chuyền” từ đơn vị A sang đơn vị B, “đá” từ tổ chức này sang tổ chức khác trước khi… “chìm xuồng” như vô số sự việc khác./.

TS Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, hàng rào kỹ thuật của Việt Nam có, nhưng việc thực thi hàng rào kỹ thuật lại quá kém.

Việc liên tiếp diễn ra các vụ sữa bị nhiễm khuẩn một lần nữa cho thấy hàng rào quản lý của cơ quan quản lý còn nhiều lỗ hổng.

Các phát hiện về chất lượng sữa của Việt Nam đều do các nước khác trên thế giới phát hiện còn bản thân Việt Nam chưa phát hiện được vụ nào.

Với chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội sẵn sàng vào cuộc nếu có khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.   A.P
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên