Tại sao con tôi không thể đến trường?

LTS: Bức thư này là tâm sự của một bà mẹ trẻ, người có HIV, gửi đến VOVonline mới đây.
Mong bạn đọc cùng chia sẻ, đưa ra cho chị lời khuyên; và nói lên ý kiến của mình về vấn đề thái độ của cộng đồng với người nhiễm HIV/AIDS.

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Nhà có 6 anh chị em. Tôi là con thứ 4. Nhà nghèo, tôi chỉ học hết cấp 2 rồi nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Quê tôi ở vùng núi đá, mấy năm gần đây, có công ty đến đây khai mỏ, tôi xin làm công nhân để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Tại đây tôi gặp anh rồi xây dựng gia đình. Nhà anh ở xã bên, cũng đông anh em nên ra riêng, hai đứa chỉ đủ tiền làm một căn nhà nho nhỏ- vốn liếng anh dành dụm sau mấy năm đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan về.   

Dẫu cuộc sống vất vả nhưng biết tôi có thai, hai đứa mừng vô kể. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gan, tôi mang thai đến tháng thứ 7 thì anh bị bệnh, người cứ teo tóp dần. Tôi đưa anh về thành phố khám bệnh với mong mỏi tìm đúng con bệnh. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, tôi như không tin vào mắt mình, trời đất như đổ sụp dưới chân: Anh dương tính với HIV. 

Kể từ lúc đó, anh chẳng nói gì. Con đường về nhà có vài chục cây số mà như dài vô tận. Mấy ngày liền anh tránh mặt tôi, việc công trường cũng bỏ, chỉ ngồi lì trong nhà. Đến ngày thứ 8 thì có chuyện. Tôi đi làm về, gọi mãi chẳng thấy anh ra mở cửa. Ngờ có chuyện chẳng lành, tôi xô cửa bước vào. Căn nhà vắng ngắt, anh nằm bất động trên giường, một ít viên thuốc còn rơi vãi bên giường. Tôi chợt hiểu ra. Vậy là anh sẽ không bao giờ dậy nữa. Anh đã tự tử bằng thuốc ngủ.

Nuốt nước mắt vào trong, tôi lẳng lặng vuốt mắt cho anh. Đám tang anh diễn ra cũng bình thường như bao đám tang khác. Đọc thư anh để lại, gia đình chồng tôi cũng chỉ biết thương cho anh chết trẻ vì bạo bệnh.

Lo tang chồng xong, tôi đi xét nghiệm và biết mình cũng đã bị nhiễm HIV. Đau đớn đến cùng cực, nhiều lúc tôi không muốn sống nữa, chỉ muốn đi theo anh cho xong. Nhưng cứ nghĩ đến đứa con trong bụng chưa kịp chào đời đã chịu cảnh mồ côi bố, tôi lại gắng gượng sống chờ ngày con ra đời.

May sao trời đất còn thương. Ngày sinh con, tôi hồi hộp chờ đợi. Rồi 18 tháng trôi đi, các xét nghiệm của con tôi là âm tính. Con trai tôi may mắn không mang căn bệnh quái ác như bố mẹ nó. Hạnh phúc vẫn còn mỉm cười với một người phụ nữ bất hạnh như tôi.

Tôi lẳng lặng làm lụng nuôi con trong sự động viên giúp đỡ của 2 bên gia đình. Dù bản thân tôi không nói ra nhưng thông tin về căn bệnh của chồng tôi không hiểu sao cũng lọt ra ngoài. Tôi cố gắng bỏ ngoài tai để đi làm kiếm tiền nuôi con.

Đến năm ngoái cháu được 4 tuổi. Tôi đưa con trai đến trường mầm non của xã xin học. Nhưng, chỉ vì tôi bị nhiễm HIV mà việc xin học của cháu liên tục gặp trắc trở. Ban giám hiệu trường Mầm non của xã yêu cầu tôi đưa cháu đi xét nghiệm để tránh dư luận của các phụ huynh khác trong trường. Kết quả, sau 3 lần xét nghiệm cháu đều âm tính, nhưng con trai tôi vẫn chưa được vào trường học vì luôn bị phụ huynh phản ứng. Họ làm đơn kiến nghị, thậm chí còn dọa không cho con đi học nếu nhà trường nhận con tôi.

Trước sự kiên trì của tôi, cô giáo hiệu trưởng cũng rất thông cảm cho hoàn cảnh mà cho cháu được đi học. Nhưng rồi chỉ được 1 tuần, vì lá đơn tập thể của phụ huynh, nhà trường lại phải cho con tôi ở nhà.

Thương con, tôi chỉ biết ôm nó vào lòng, giấu những giọt nước mắt nóng hổi vào cánh tay rồi đưa con về quê ngoại, hy vọng ở xa không ai biết. Nhưng rồi, dư luận cũng chẳng buông tha. Được nửa tháng, con trai tôi lại phải nghỉ học.

Viết lại những dòng này mà lòng tôi đau nhói. Sao số tôi lại khổ thế này. Chồng tôi lỗi lầm, anh ấy đã trả giá. Là vợ anh, tôi đã phải nuốt nước mắt vào trong mà không dám một lời oán than vì nghĩ, dù thế nào anh cũng không còn nữa.

Tôi là người ít học, lại ở nông thôn, không có điều kiện tham gia sinh hoạt ở các tổ chức hay câu lạc bộ gì đó như chị em đồng cảnh ngộ ở thành phố. Trong khổ đau tôi chỉ một mình chấp nhận, mong sao mình sống được nhiều hơn để có thể lo cho con trai.

Nhiều đêm tôi tự nghĩ con tôi tội tình gì mà mọi người lại nỡ đối xử ghẻ lạnh với cháu như vậy. Có lúc tôi tính mang cháu gửi vào một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi nào đó vì nghĩ trước sau gì rồi cũng đến ngày cháu phải xa tôi, phải sống cảnh mồ côi cả cha mẹ. Nghĩ đến đó, nước mắt tôi lại trào ra. Gia đình hai bên tuy nghèo nhưng cũng có thể nuôi cháu lớn lên. Nhưng nếu cứ tình trạng này, làm sao con tôi lớn lên có thể sống thường như bao đứa trẻ khác?

Có cách nào để cháu được đến trường học chữ? Ước mơ nhỏ nhoi ấy của một đứa trẻ chả lẽ lại khó đến thế sao? Nỗi đau mất mát người thân, sự ghẻ lạnh của mọi người như vậy với mẹ con tôi như vậy còn chưa đủ sao? Con tôi có tội tình gì kia chứ. Nhiều đêm ôm con vào lòng, tôi ngửa cổ nhìn lên trời mà muốn gào thật to: Con tôi là một đứa trẻ bình thường. Sao mọi người lại nỡ đối xử với nó như vậy?”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên