Tạm dừng mở, tuyển sinh một số ngành đại học

(VOV) - Những ngành có thể phải tạm dừng tuyển sinh là những ngành đang thừa "đầu ra" như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có chủ trương từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo những ngành trên. Chủ trương này được nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý tại các trường  đại học đồng tình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Văn Lợi, Trưởng khoa Kế toán Đại học Lao động Xã hội đưa ra con số thống kê: hơn một nửa số trường đại học, cao đẳng cả nước hiện đang đào tạo ngành kế toán. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại phát triển chậm như hiện nay, dẫn đến quá dư thừa lao động, lãng phí nguồn lực. Nhiều trường mở ngành kế toán mà chỉ có 5-6 giảng viên, trưởng khoa chỉ là thạc sĩ, chất lượng không được đảm bảo.

Ông Lợi phân tích nguyên nhân của tình trạng này là đào tạo những ngành kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng không cần chi phí lớn, chỉ có đầu tư vào chương trình, giáo trình, không cần máy móc mà mức học phí các trường đều như nhau. Vì thế  nhiều trường không muốn đầu tư vào kĩ thuật vì phải mua sắm máy móc, có những cái lên đến cả tỉ đồng. Về phía thí sinh thi đại học thì muốn vào một ngành nào đó đỡ vất vả, ra trường dễ kiếm việc làm, có thu nhập cao nên nhiều người chọn ngành kế toán.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng không cho mở các trường chuyên về đào tạo ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng

Có một nghịch lí là sinh viên ra trường không xin được việc làm, nhưng sinh viên đăng kí học các ngành này vẫn rất cao, điểm chuẩn cũng nằm trong tốp cao nhất. Kết quả tuyển sinh từ năm 2011 thể hiện rõ bất cập khi trong 416 trường đại học, cao đẳng thì có đến 248 trường tuyển sinh một trong bốn ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - ngân hàng, Kế toán. Rõ ràng thực trạng này cần có sự can thiệp của Nhà nước.

Ông Trương Đình Chiến, Trưởng khoa Maketting, Đại học Kinh tế Quốc dân rất đồng tình với chủ trương dừng mở các ngành trên. Ông Chiến cho rằng đây là việc nên làm vì thời gian vừa rồi chúng ta  mở ngành kế toán ồ ạt quá, dẫn đến nguồn nhân lực ngành này dư thừa và chất lượng không đảm bảo. Bản thân các trường đó đã đào tạo quá nhiều mà nhu cầu xã hội có hạn. Cung vượt cầu dẫn tới dư thừa, sinh  viên ra trường không xin được việc làm và họ lại phải học thêm ngành khác, như  vậy rất lãng phí.

Theo Quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2010, cả nước sẽ có 20% sinh viên trong các ngành kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng…. Vậy mà con số này đã gần gấp đôi vào năm 2011, với 38% . Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết: mặc dù Bộ đã có nhiều khuyến cáo về sự dư thừa nhân lực các ngành trên, song học sinh vẫn “chạy” theo phong trào. Chủ trương dừng mở các ngành thừa “đầu ra” là căn cứ vào Quy hoạch phát  triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020. Bộ sẽ báo cáo, đề nghị Thủ tướng không mở các trường chuyên về đào tạo ngành này để hạn chế bớt cơ sở đào tạo, tập trung đầu tư, phát triển cho những ngành đang thiếu nhân lực.

Việc dừng mở các ngành đào tạo mà xã hội đang dư thừa lao động là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế và Quy hoạch nguồn nhân lực trong tương lai. Đã đến lúc, cần chấn chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong nước để từng bước khắc phục tình trạng phát triển “nóng” trong thời gian qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên