Tăng giá điện, nước chưa hợp thời?
Nghịch lý là tăng giá điện, nước để giúp một số doanh nghiệp “khỏe” hơn, nhưng cả nền kinh tế thêm yếu và trăm khó lại đổ… đầu dân.
- Chỉ số giá tiêu dùng giảm do kiệt sức mua
- Giá điện: Thả nổi hay định giá?
- Có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng chưa thể giảm giá điện
- Giá nước sạch tăng 50% từ 11/7
- Từ 1/7, giá điện sinh hoạt cao nhất là 2.192 đồng/kWh
Trong khi đời sống đang bộn bề khó khăn, người dân lại thêm cú sốc vì giá điện, nước tuyên bố tăng từ tháng 7 năm nay. Với mức tăng giá điện thêm 5% từ 1/7, còn giá nước sạch tăng tối đa tới 50% từ 11/7, chắc chắn giá hàng loạt hàng hóa sẽ dựa vào đó tăng theo.
Nền kinh tế đang gặp khó
Nền kinh tế khó khăn, người tiêu dùng ngày càng phải chắt bóp chi tiêu |
Trở lại hồi năm 2007, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 8,5% và là mốc 3 năm liên tiếp đạt tăng trưởng trên 8%. Lúc đó, trước thực trạng tín dụng ngân hàng tăng ở mức rất cao, từ 25,4% vào năm 2006 lên hơn 50% tính đến tháng 11/2007, đầu tư vào bất động sản cũng tăng mạnh..., nhiều chuyên gia đã cảnh báo nhiều tín hiệu xấu trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, bất động sản...
Đến 2008, CPI bình quân tăng 22,97%, nhưng GDP chỉ đạt 6,23%; còn GDP năm 2009 là 5,32% trong khi CPI lại là 6,88%. Rồi năm 2010, GDP tăng lên 6,78%, cao hơn mục tiêu đề ra là 6,5%, nhưng lạm phát 11,75%. Lúc này, Thủ tướng đã phải nhấn mạnh đến yêu cầu tập trung cho công tác xây dựng thể chế, chính sách, đặc biệt trong 4 lĩnh vực nóng bỏng hiện nay là đất đai, khoáng sản, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản…
Nhưng sau đó nền kinh tế thế giới vẫn ảm đạm, còn trong nước vẫn tiếp tục tinh thần đầu tư phát triển kiểu phong trào trong hầu hết mọi lĩnh vực trong nền kinh tế. Do chủ quan với “sức khỏe” và khả năng ứng phó trước khó khăn, đã tạo ra một bức tranh tăng trưởng ảo. Hậu quả là từ cuối năm 2010, hàng loạt các chỉ số về CPI, lạm phát, bong bóng bất động sản hiện rõ, cuộc đua tăng lãi suất càng mạnh,… bắt đầu lại gây nguy cho nền kinh tế, với mức lạm phát lên 11,75%.
Sang năm 2011, GDP tăng 5,89%, trong khi CPI tăng lên 18,58% so với 2010 và lạm phát tăng vọt lên mức 18,13%. Đến thời điểm hiện nay, GDP năm 2012 được dự báo là 5,6%, trong khi kỳ vọng mục tiêu 6-6,5%, còn lạm phát dự báo sẽ ở mức 7-8%; Căn cứ tình hình 6 tháng qua và những gì đang diễn ra, các chuyên gia đã dự báo tốc độ lạm phát cả năm 2012 chỉ khoảng 5%, nhưng nếu giá cả hàng hóa tăng thì không ai dám đoán định.
Cho đến nay, mặc dù Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã và đang ra sức vào cuộc “trị bệnh” cho nền kinh tế, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong đó, tác động trực tiếp đến đời sống người dân và doanh nghiệp là sức mua giảm, hàng tồn kho tăng, tín dụng giảm mạnh… Đặc biệt, nhiều chuyên gia lo ngại khi CPI tăng thấp, và đến tháng 6/2012 về âm, do tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế suy giảm mạnh, năng lực tiêu dùng đang kiệt.
Trăm khó cứ đổ… đầu dân?
Để “hồi sức” cho nền kinh tế, một trong những giải pháp mà các chuyên gia nhấn mạnh là Chính phủ cần có chính sách kích thích tiêu dùng. Nghĩa là phải tạo được công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời hàng hóa sẽ được tiêu thụ và hoạt động sản xuất sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Năng lực mua sắm suy giảm, hàng hóa ế ẩm, không chỉ siêu thị mà đến cả chợ vỉa hè cũng vắng khách |
Tuy nhiên, trái với mong muốn tìm cách kích thích tiêu dùng của người dân, quyết định tăng giá điện, nước lúc này chẳng khác nào dội thêm nước lạnh vào nền kinh tế.
Vì rằng, thực tế thì hàng hóa vẫn khó bán, tồn kho cao, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất, thậm chí phá sản vì nợ lũy tiến, lợi nhuận không thể gánh được lãi suất ngân hàng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Đã thế, hai mặt hàng nguyên liệu đầu vào quan trọng của hầu hết các ngành sản xuất là điện và nước cùng lúc tăng giá.
Chắc chắn gánh nặng của doanh nghiệp tăng thêm, khiến họ sẽ đẩy tăng giá sản phẩm để bù tăng chi phí đầu vào. Như vậy, cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai người tiêu dùng.
Theo giải thích của ngành điện và ngành nước, sở dĩ giá phải tăng là do giá nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác đều tăng. Mục đích tăng giá là để bù chi phí đầu vào, và bù lỗ các năm trước. Khi ngành điện khẳng định tăng giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, vì hằng tháng họ chỉ phải trả thêm lượng tiền rất ít. Nhưng dư luận có quyền hỏi: Trả thêm tiền điện bao nhiêu mới là không ít?
Rõ ràng, khi tăng giá điện, nước không những tăng rào cản cho kích cầu, thêm khó cải thiện năng lực tiêu dùng, càng khó tăng sức mua để giải phóng hàng tồn kho… Bởi vì, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng, nếu các biện pháp kích thích tổng cầu không tốt thì lập tức lạm phát cao có thể quay trở lại. Nếu CPI trong 1-2 tháng tới tình hình vẫn tiếp tục như biểu hiện của tháng 6/2012, nghĩa là nền kinh tế đã rơi vào giảm phát. Để xảy ra giảm phát sẽ gây ra những tác hại vô cùng lớn: Sản xuất đình trệ, doanh nghiệp phải sa thải công nhân, kinh tế rơi vào suy thoái…
Và, tất cả những động thái tăng giá của điện, nước đều mang một hàm ý rằng, người dân, doanh nghiệp khác hãy “chia khó” với các ngành này, giúp các ngành này “khỏe” lên. Nhưng câu hỏi ngược lại: Ai chia khó với dân và doanh nghiệp khác lúc này?./.