Thẩm định SGK lớp 2: Những bộ “đạt nhưng cần sửa chữa” cũng bị loại

VOV.VN -Quy trình thẩm định SGK lớp 2 sẽ chỉ còn 2 vòng thay vì 3 vòng như trước kia, do đó, những bộ “đạt nhưng cần sửa chữa” cũng sẽ bị loại.

Ngày 18/8, Bộ GD-ĐT đã chính thức khai mạc Hội đồng thẩm định SGK lớp 2 cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, để làm chặt chẽ hơn quy định về thẩm định SGK và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà Thông tư 33/2017/TT-BGĐT chưa lường hết được, ngày 6/8/2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 23 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư  33. Thông tư 23 có hiệu lực kể từ ngày 21/9/2020, là trong thời gian Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 đang tiến hành thẩm định. Do đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Thái Văn Tài cho biết, sẽ có một số điểm mới về quy định thẩm định SGK theo Thông tư 23.

 

Cụ thể, theo Thông tư 23, mỗi năm Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức thẩm định SGK nhiều nhất là 2 đợt. Mỗi đợt thẩm định không quá 2 vòng, thay vì có 3 vòng thẩm định như đã thực hiện với SGK lớp 1. Lý do của việc thay đổi này là để đảm bảo có đủ SGK, kịp tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Việc thẩm định kéo dài 3 vòng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt, lựa chọn, in ấn, phát hành SGK.

Theo Thông tư 23, các bản mẫu SGK ở vòng thẩm định thứ 2 được Hội đồng quốc gia đánh giá là “Không đạt” và “Đạt nhưng cần sửa chữa” đều sẽ bị loại do không còn vòng thứ 3. Các bản mẫu SGK được đánh giá “Đạt nhưng cần sửa chữa” ở vòng 2 (đợt 1) có thể tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị thẩm định vào đợt 2, cùng với các bản mẫu SGK của những môn học/hoạt động giáo dục mà đợt 1 chưa có và các bản mẫu SGK mới. Quy trình thẩm định SGK của đợt 2 được thực hiện giống đợt 1. Trong trường hợp môn học nào đó không có đơn vị đăng ký thẩm định bản mẫu SGK, Bộ GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức biên soạn.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng lưu ý, trong quá trình thẩm định SGK, các Hội đồng cần tăng cường vai trò Chủ tịch, Phó chủ tịch hội đồng, thư ký giám sát. Hoạt động thẩm định cần chuẩn mực và dứt khoát về mặt chuyên môn, công khai, minh bạch, công bằng giữa các nhóm tác giả và không chịu tác động từ bên ngoài. Hầu hết thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 đều có kinh nghiệm thẩm định SGK của chương trình giáo dục phổ thông  mới khi đã tham gia Hội đồng thẩm định SGK lớp 1. Đây lợi thế lớn, nhưng ông Thái Văn Tài cũng đề nghị các thành viên không vì thế mà chủ quan. Tất cả các công việc liên quan đến thẩm định SGK cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, quy trình mà Bộ GD-ĐT đã quy định../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên