Thất bại trong tình yêu, giết người tàn độc
(VOV) -Cái tôi quá lớn, không chấp nhận thất bại cộng với áp lực cuộc sống đã khiến nhiều người có hành động sai lệch.
Liên tiếp những ngày qua đã xảy ra những vụ giết người liên quan đến “hận tình”, yêu đơn phương… thủ phạm và nạn nhân tuổi đời còn rất trẻ. Họ, có người đã tốt nghiệp đại học, có người đã có nghề nghiệp ổn định nhưng tại sao lại có những hành động liều lĩnh, coi thường tính mạng, luật pháp đến như vậy? Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, liên tục xảy ra án mạng. Vụ việc này chưa kịp lắng xuống đã lại tiếp tục xảy ra vụ việc mới. Điều này có khiến những người có trách nhiệm phải giật mình? Còn dư luận chung thì chỉ biết đặt câu hỏi: “Sao giới trẻ bây giờ liều lĩnh thế, hành động dại dột thế?”.
Tôi đọc khá nhiều sách, truyện viết về tình yêu của thế hệ cha anh, thời kỳ đất nước còn chia cắt họ phải “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và trong cả thời bình, khi xây dựng đất nước. Họ cũng có những mối tình dang dở, tràn nước mắt. Trong truyện, sách và qua những câu chuyện của thế hệ đó kể lại chưa từng nghe tới từ “thất tình, tự tử vì yêu” hay “không yêu được thì giết”… Họ luôn coi những đổ vỡ đó là những kỷ niệm của một thời, dù đó là đẹp hay xấu, là buồn hay vui. Nhưng toát lên trên tất cả là lý tưởng sống. Mỗi bóng hình trong tim họ là một lý tưởng sống mãnh liệt để họ phấn đấu vươn lên. Có lẽ, cách “trả thù” phổ biến nhất mà tôi từng thấy ở thế hệ đó đối với những mối tình dang dở là đặt tên con theo tên người yêu cũ của mình.
Thế còn hiện tại thì sao? Cuộc sống có đầy đủ vật chất, thông tin… đáng ra thanh niên phải có những tình yêu đẹp, nhưng họ lại hành động theo kiểu hung bạo, mất nhân tính, không yêu, không lấy được nhau thì sẵn sàng lấy mạng người mình yêu...
Trở lại với những vụ việc đáng tiếc gần đây, nhiều người cho rằng, cái tôi của họ quá lớn nên mới có những hành động vượt khuôn khổ pháp luật như vậy. Ngoài ra, kỹ năng ứng xử, giao tiếp của họ còn hạn hẹp và thiếu sự quan tâm đến những người xung quanh. Những người rộng lượng hơn thì cho rằng, họ không đủ hiểu biết, thiếu kiên nhẫn, kiềm chế nên hành động nông nổi. Thực ra, ở họ hội đủ các yếu tố trên.
Hai vụ việc trước (vụ chém chết người yêu và vụ tạt xăng đốt người yêu) do hai nam thanh niên gây án vì bị từ chối tình yêu và yêu đơn phương. Nhưng vụ việc xảy ra ngày 21/4 tại Hải Dương lại do một cô gái chân yếu, tay mềm ra tay. Ở hai vụ án trước, thủ phạm là nam thanh niên thì có thể đổ tại họ liều lĩnh, hiếu thắng. Nhưng vụ án gần đây nhất tại Hải Dương (cho nổ xe máy dẫn đến cái chết của chính mình và người yêu cũ thì bị thương nặng) lại do một cô gái làm nghề kế toán, có điều kiện ăn học, tiếp xúc với xã hội nhưng có những hành động liều lĩnh, coi thường cuộc sống đến như vậy.
Sau vụ việc tại Hải Dương, người ta cũng đặt câu hỏi, không biết thuốc nổ ở đâu mà dễ dàng có được? Vụ việc này khiến người ta liên tưởng đến vụ án do Nguyễn Đức Tiềm (Bắc Ninh) gây ra cướp đi mạng sống của hai mẹ con chị dâu mình. Tất nhiên, mục đích gây án của họ là khác nhau nhưng sự ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội thì ngang nhau.
Theo các nhà phân tích tâm lý, nếu trước đây, từ ý đồ thực hiện một hành vi nào đó đến tội phạm là một quá trình dài thì bây giờ lại diễn ra rất nhanh, không kịp trở tay. Có những vụ giết người dã man mà nguyên nhân chỉ do bất đồng suy nghĩ, nói tiếng trước tiếng sau đã ra tay. Và những nguyên nhân giết người như vậy đang quá phổ biến. Chỉ cần search một cụm từ “thanh niên giết người” trên google, sau một cú “enter” là đã cho gần 11 triệu kết quả với đủ loại nguyên nhân dẫn đến hành động giết người.
Đó là nhìn nhận từ phía người phạm tội, còn vai trò của gia đình – nhà trường và xã hội đối với những người này thì sao? Rõ ràng, hành động của những thanh niên này xuất phát tự sự thiếu hụt về tình cảm, nhận thức. Thử hỏi, nếu họ được quan tâm, giáo dục đúng cách thì liệu có xảy ra những chuyện đáng tiếc như hôm nay? Có ít thông tin về đời tư, hoàn cảnh gia đình của những đối tượng này, nhưng có thể thấy chung một thực trạng là có quá nhiều gia đình do cuộc sống khó khăn phải bươn chải kiếm sống nên cha mẹ không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, theo dõi sự trưởng thành, thay đổi của con mình.
Còn phía nhà trường thì sao? Lâu nay, hằn một nếp nghĩ nhà trường là nơi truyền dạy cho các em kiến thức khoa học, còn kỹ năng sống thì gần như bỏ ngỏ. Hiện tại, một số trường tiểu học, trung học… có dạy về kỹ năng sống, nhưng đó là môn học phải đóng tiền. Gia đình nào có điều kiện thì cho con em theo học. Nhiều gia đình cũng không biết là có các khóa học như vậy ở trường của con em mình.
Xã hội đối với họ thế nào? Nhìn chung, xã hội rất quan tâm đến giới trẻ. Bằng chứng là có rất nhiều chính sách, chương trình, phong trào hướng đến thanh niên. Nhưng, lại là một chữ “nhưng”, ở một góc khuất nào đó xã hội, trong đó có các cơ quan, ban, ngành chức năng, lại chưa với tới được. Liệu rằng, cô gái người yêu của Khuyến có phải chịu một cái chết thương tâm như vậy nếu cơ quan công an, nơi cô đã từng gửi đơn đến để tố cáo việc mình bị đe dọa, làm việc mẫn cán hơn một chút, quan tâm hơn đến những người yếu thế như cô thì đâu đến nỗi… Và giá như, hôm ấy có người của cơ quan chức năng đi theo bước chân cô thì đã kịp thời ngăn cản kẻ sát nhân. Chí ít, nếu có sự quan tâm ấy thì nhiều người sẽ thấy yên tâm hơn khi bước chân ra đường và dám tố cáo những kẻ ăn hiếp người khác khi mình bị đe dọa.
Một chuyên gia tâm lý đã khuyên trên tờ Tiền phong: “Nếu gặp những kẻ cuồng yêu thì phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, gia đình cùng với cơ quan công an giải quyết vấn đề”. Ở đây, cô gái này đã làm theo đúng lời khuyên của chuyên gia rồi mà vẫn không giữ được tính mạng của mình.
“Tội phạm ở Việt Nam gia tăng và đang trẻ hóa, nhất là tội giết người, mức độ ngày càng ghê rợn, hung bạo”. Nhận định này đã được đưa ra từ rất lâu tại rất nhiều hội thảo, báo cáo... nhưng rồi người trẻ phạm tội vẫn cứ gia tăng và mức độ nguy hiểm, bất ngờ, táo tợn cũng tăng theo. Ai là người có trách nhiệm với thực tế này?/.