Thí sinh phải cân nhắc khi thay đổi nguyện vọng, đừng đánh mất cơ hội
VOV.VN - TS Mai Đức Ngọc: thí sinh đừng vội vã rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng vì sẽ tự đánh mất cơ hội thực sự của mình cũng như gây khó khăn cho trường.
Bắt đầu in, gửi giấy chứng nhận kết quả thi
Theo thông tin từ nhiều trường ĐH chủ trì cụm thi, việc in giấy chứng nhận kết quả thi THPT đang được thực hiện. Dự kiến đầu tuần tới giấy chứng nhận được chuyển về các sở GD-ĐT để trả cho thí sinh.
Điểm chuẩn vào ĐH, CĐ năm nay sẽ tăng hơn so với mọi năm |
Sau khi đóng dấu đỏ, dự kiến thứ hai (27/7) giấy chứng nhận kết quả sẽ được chuyển về các sở GD-ĐT.
Trong khi đó, theo PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, dự kiến ngày 28/7 các sở GD-ĐT Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long sẽ nhận giấy chứng nhận kết quả thi và phát cho thí sinh tại các đơn vị giáo dục trong tỉnh. Như vậy, sớm nhất ngày 29/7, thí sinh của cụm này mới có thể nhận được giấy chứng nhận kết quả thi.
Thí sinh có quyền thay đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ xét tuyển
Tư vấn trực tuyến về cách chọn trường, chọn ngành trên báo Tuổi Trẻ Online diễn ra sáng nay (26/7), TS Mai Đức Ngọc, Trưởng ban đào tạo Học viện Báo chí tuyên truyền cho biết: Theo quy định của Bộ GD-ĐT trong vòng 20 ngày của đợt xét tuyển đầu tiên, kể từ ngày 1 đến 20/8, thí sinh có quyền thay đổi các ngành trong 4 nguyện vọng hoặc rút hồ sơ xét tuyển vào trường đã đăng kí. Nguyện vọng 1 sẽ được ưu tiên để xét tuyển. Theo đó, trong mỗi ngành đào tạo, các trường sẽ ưu tiên xét tuyển nguyện vọng 1 trước, khi còn thiếu chỉ tiêu mới xét đến nguyện vọng 2,3,4 trong cùng một đợt xét tuyển. Nhưng nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ không được xét tuyển ở các nguyện vọng 2,3,4.
Thạc sĩ Lý Trung Vinh, Trưởng ban tuyển sinh Hệ thống Giáo dục Đại Việt - Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn giải thích: Năm nay theo quy chế tuyển sinh, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 và nếu không đạt sẽ có các nguyện vọng bổ sung. Khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 có thể đăng ký 4 ngành của một trường chứ không phải là có 4 nguyện vọng. Cũng cần chú ý khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 không nhất thiết phải ghi đủ 4 ngành xét tuyển vì khi đã trúng tuyển một ngành các ngành khác sẽ không được xem xét.
Theo TS Mai Đức Ngọc, các trường có trách nhiệm cập nhật thông tin xét tuyển cứ 3 ngày/lần trên trang web của trường (số lượng thí sinh đăng kí, mức điểm của thí sinh xếp theo thứ tự, chỉ tiêu xét tuyển của từng ngành). Căn cứ vào các thông tin trên, thí sinh có thể cân nhắc để quyết định thay đổi ngành lựa chọn hay trường đăng kí xét tuyển phù hợp với mức điểm của mình.
Phải cân nhắc kĩ trước khi quyết định thay đổi nguyện vọng
Nói về việc rút hồ sơ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP HCM: Do các em phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho xét tuyển đợt 1, do đó, muốn nộp vào trường khác, các em bắt buộc phải đến trường rút hồ sơ chứ không có phương thức rút hồ sơ trực tuyến. Không phải thí sinh nào cũng nộp 4 nguyện vọng, do đó, không thể dự đoán được tỷ lệ thí sinh ảo. Khi nộp hồ sơ, chỉ nên chọn các ngành phù hợp với khả năng và nguyện vọng của thí sinh. Còn TS Mai Đức Ngọc khuyên: Nhưng thí sinh cần phải bình tĩnh cân nhắc kĩ, để lựa chọn thời điểm cần thiết trước khi quyết định thay đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ. Tránh tình trạng chỉ nghe thông tin chưa chính xác đã vội vã rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng vừa gây khó khăn cho các trường, vừa tự đánh mất cơ hội thực sự của mình.
Tìm hiểu kỹ về thông tin các ngành, các trường trước khi hộp hồ sơ
Theo lời khuyên của các chuyên gia giáo dục, trước khi nộp đơn, phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu kỹ về thông tin các ngành, các trường đã định hướng từ trước. Nếu cảm thấy có mức điểm hợp lý thì nộp đơn xét NV1. Việc theo dõi các thông tin về điểm thi, tuyển sinh cũng cần sát sao vì đây là kỳ thi có cách thức xét tuyển khác mọi năm.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng, các trường ĐH, đặc biệt là nhiều trường tốp giữa có nguồn tuyển dồi dào thì sẽ càng dễ chọn thí sinh hơn, trường tốp cao thì càng dễ hơn.
Từ trước đến này, quy luật chung là ngành nào điểm đầu vào cao vẫn cao (tầm từ 23 đến 24 điểm), điểm mức khá là từ 19 đến 22 điểm và thấp hơn từ 15 đến 17 điểm. Quy chiếu với mức điểm chuẩn năm ngoái, nếu em nào có mức điểm vượt hẳn trên 2 điểm so với điểm hằng năm thì hoàn toàn yên tâm nộp đơn vào.
Theo ông Nghĩa, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn năm ngoái và cần chú ý thêm lượng đầu vào của từng ngành để cân đối nguyện vọng một cách hợp lý.
Học sinh phải tham khảo phổ điểm mà bộ vừa công bố để biết được có bao nhiêu người bằng hoặc thấp hơn, cao hơn điểm của mình để lựa chọn trường xét tuyển cho phù hợp.
Điểm chuẩn vào các trường ĐH
Nói về điểm chuẩn vào các trường đại học, ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp - Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cho biết: Do thời điểm này Bộ GD-ĐT chưa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng giáo dục nên các trường đại học chưa thể đưa ra điểm chuẩn xét tuyển. Thí sinh có thể theo dõi thông tin mới nhất trên các phương tiện truyền thông để biết chính xác điểm chuẩn của các trường mà mình đăng ký xét tuyển.
Theo qui định của Bộ GD-ĐT, trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, cứ 3 ngày 1 lần các trường đại học sẽ công bố danh sách điểm đăng ký xét tuyển từ trên cao xuống thấp trên trang web của các trường em đã đăng ký xét nguyện vọng 1.
Ông Vũ Quang Huy cũng cho biết thêm: Xét kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và xét học bạ THPT là 2 phương thức xét tuyển hoàn toàn khác nhau tại các trường ĐH, các thí sinh có thể xét 1 trong 2 phương thức hoặc xét cả 2 phương thức cùng lúc đều được.
Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng với phương thức xét kết quả kỳ thi THPT Quốc gia nhà trường có 3 đợt xét tuyển: đợt 1 từ ngày 1 đến 20/8/2015, đợt 2 từ ngày 1 đến 20/9/2015, đợt 3 từ ngày 1 đến 20/10/2015.
Đối với phương thức xét học bạ THPT, nhà trường có 5 đợt xét tuyển: đợt 1 từ ngày 1/6 đến ngày 20/7/2015, đợt 2 từ ngày 1 đến 20/8/2015, đợt 3 từ ngày 25/8 đến ngày 15/9/2015, đợt 4 từ ngày 20/9/2015 đến ngày 5/10/2015 và đợt 5 từ ngày 10 đến ngày 25/10/2015./.