Thi tốt nghiệp THPT: "Chỉ một sơ xuất nhỏ, hệ lụy sẽ là rất lớn"
VOV.VN - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT tuyệt đối không được chủ quan, cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một sơ suất nhỏ hệ lụy sẽ là rất lớn.
Tong 2 ngày (14, 15/6), tại tỉnh Bình Định, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra của 32 Sở GD-ĐT, 68 cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Nam.
Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung như hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; hướng dẫn về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022; hướng dẫn kiểm tra, phát hiện thiết bị công nghệ cao gian lận trong hoạt động thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm 2022; hướng dẫn nghiệp vụ trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm 2022; hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tới 5 yếu tố đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu chất lượng đề ra. Trong đó, trước hết là việc đề cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từ hệ thống văn bản chỉ đạo cho đến thành lập bộ máy, các ban, hội đồng… để tổ chức kỳ thi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải vừa toàn diện, vừa trọng tâm trọng điểm.
Đối với công tác phối hợp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đây vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp. Kỳ thi diễn ra trên phạm vi rộng, số lượng chủ thể tham gia kỳ thi đông, do đó các lực lượng tham gia cần phối hợp tốt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ phương pháp và rõ trách nhiệm. Riêng đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng lưu ý, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng là rất quan trọng, qua đó vừa giữ được kỷ cương, kỷ luật trường thi, nhưng cũng không tạo ra áp lực không cần thiết.
Đề cập tới công tác chuẩn bị như một trong những yếu tố quan trọng nhất, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, công tác chuẩn bị càng kỹ lưỡng, chu đáo bao nhiêu sẽ đưa tới chất lượng, hiệu quả bấy nhiêu. Hoạt động tập huấn thanh tra, kiểm tra được tổ chức cũng là một trong những nội dung của công tác chuẩn bị, do vậy cần phải được làm kỹ lưỡng.
“Nhiều cán bộ thanh tra, kiểm tra kỳ thi đã có nhiều năm làm công việc này nhưng cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một sơ suất nhỏ hệ lụy sẽ là rất lớn. Do đó chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, cần bao quát hết các công việc, kể cả việc biết rồi cũng phải nghiên cứu chu đáo, kỹ lưỡng hơn”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thường, để giữ kỷ thi an toàn vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra là rất lớn. Làm sao để vừa nghiêm minh, vừa hài hòa nhưng cũng nhân văn, nhân ái, đảm bảo đúng quy chế, quy định nhưng cũng thân thiện, ứng xử phù hợp./.