Thi trượt vào 10: Học là cả hành trình không thể tránh những vấp ngã
VOV.VN - "Khi không đạt được kết quả như mong muốn, buồn rầu là điều đương nhiên, nhưng các em hãy nâng niu, ôm lấy chính cảm xúc đó của mình và cho bản thân "giới hạn buồn", coi đây là bài học để từ đó khắc phục", Ths Đỗ Trang - Chuyên gia tâm lý.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước đã chính thức khép lại, bên cạnh những nụ cười, niềm hạnh phúc khi các sĩ tử nhận tin trúng tuyển vào các trường công lập như mong muốn, cũng có không ít thí sinh kém may mắn hơn đang phải trải qua giai đoạn khó khăn khi thi trượt. Ths Đỗ Trang, Trưởng phòng Tham vấn tâm lý học đường Trường Marie Curie (Hà Nội) đã có trao đổi về vấn đề này.
PV: Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý học đường, chuyên gia có nhận định gì về những áp lực tâm lý mà học sinh đang gặp phải khi trượt trong các kỳ thi lớn?
Ths Đỗ Trang: Những áp lực thi cử nếu không có cách ứng phó thì mức độ tổn thương khá trầm trọng, nhất là ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT, khi các em đang muốn chứng tỏ và thể hiện năng lực với gia đình và những người xung quanh. Các em cũng mong rằng mình thi đỗ để đúng với kỳ vọng của cha mẹ.
Ở góc độ của trẻ, việc học là chủ đạo, hầu hết các em đặt ra mục tiêu phải đỗ vào các trường công lập. Nhưng như tại Hà Nội, mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay có đến gần 130.000 thí sinh đăng ký, trong đó, chỉ tiêu vào các trường công lập chỉ có hơn 70.000, còn khoảng 60.000 thí sinh khác sẽ phải lựa chọn vào hệ thống các trường ngoài công lập hoặc học nghề. Có những em khi thi trượt sẽ tự hài lòng và chấp nhận, nhưng cũng có nhiều em không dễ dàng vượt qua. Nhiều em vẫn nghĩ rằng, nếu đỗ vào trường công có thể khiến bố mẹ tự hào hơn, hoặc coi đó như một mục tiêu lớn để cố gắng, nỗ lực.
Có thể coi đây là cú sốc đầu đời, gây tổn thương tâm lý cho trẻ, nhiều em rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm, rối loạn hành vi. Có những em sau khi vấp ngã, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực và tự co cụm bản thân, tự ám thị rằng mình là đồ tồi tệ, ngu dốt, hoặc tự cho mình là sản phẩm lỗi của xã hội. Cảm xúc càng tồi tệ hơn khi các em đi so sánh bản thân mình với người khác. Rất nhiều học sinh tìm đến phòng tham vấn học đường của Trường Marie Curie và tâm sự rằng: “Em rất buồn, tại sao cũng học như bạn nhưng bạn lại đỗ còn em thì trượt”. Nhưng các em không biết rằng chỉ nên so sánh với chính mình, tức coi những thất bại ấy như một bài học trong quá trình thành công và tự nhìn lại chính mình của hôm nay và hôm qua để trưởng thành hơn.
Các em cần nhớ rằng, có nhiều yếu tố để quyết định kết quả thi, 2 bạn cùng học như nhau, nhưng có thể hôm đó, một bạn có tâm lý tốt hơn, hay ôn kỹ đúng bài trong đề thi, thì kết quả cũng đã khác. Chính sự tự so sánh bản thân với người khác đang khiến các em bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
Thêm vào đó, có rất nhiều cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào các con, nên khi biết con thi trượt, cha mẹ cũng rất sốc và buồn.
Khi trẻ thi trượt, tâm trạng buồn bã thường cộng thêm những hành vi không phù hợp như cáu gắt, nhịn ăn, khóc lóc… Nếu cha mẹ thiếu hụt về kỹ năng sẽ có thể tiếp tục đổ lỗi cho con như “do mày chứ do ai, có phải tại bố mẹ làm đâu mà khóc lóc”, hay lại so sánh con mình với "con nhà người ta”.
Nhiều em chỉ nhìn thấy 1 con đường duy nhất là phải đỗ vào trường công, nếu không đỗ, sẽ làm thầy cô, gia đình xấu hổ, bạn bè chê cười. Tất cả những suy nghĩ này nếu cộng hưởng với thái độ tiêu cực từ phía cha mẹ có thể khiến "giọt nước tràn ly”, làm những tổn thương vốn chưa được chữa lành trong trẻ lại càng trầm trọng hơn nữa.
Ngoài ra, hiện nay, khi internet phát triển, các con lên mạng có thể dễ dàng thấy những bài đăng của các phụ huynh khác "khoe con" và nhiều người cùng vào tung hô. Các em không chỉ đọc nội dung bài viết, mà còn có thể đọc những lời bình luận chúc mừng, khen ngợi của mọi người xung quanh. Điều đó giống như vết thương bị sát muối không thể lành. Những tổn thương tâm lý giống như việc đứa trẻ bị gãy tay nhưng không được sơ cứu, càng ngày càng trầm trọng và nguy hại hơn rất nhiều so với những nỗi đau về thể chất.
PV: Chuyên gia có lời khuyên nào cho những học sinh để vượt qua những cú sốc về tâm lý đầu đời?
Ths Đỗ Trang: Nếu những tổn thương tinh thần không thể nói ra sẽ để lại những hệ lụy rất đáng tiếc. Khi trẻ cảm thấy quá ngưỡng chịu đựng sẽ có xu hướng chọn những hành vi sai lệch dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Khi không đạt được kết quả như mong muốn, buồn rầu là điều đương nhiên, nhưng các em hãy nâng niu và ôm lấy chính cảm xúc đó của mình và cho mình giới hạn buồn, coi đây là bài học để từ đó khắc phục.
Các em cần biết rằng, học không phải là một điểm đến, mà là một hành trình, trên hành trình đó sẽ không tránh khỏi những lúc vấp ngã, nếu nghĩ như vậy, các em sẽ quyết tâm học tốt hơn và tự phát triển bản thân. Tất nhiên việc này rất khó, nên nếu buồn quá, các em có thể nói ra cảm xúc này với những người thân thiết như cha mẹ, bạn bè, từ đó tìm ra hướng đi mới.
Hãy luôn tự dặn mình rằng, khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Nếu không phải vì thi trượt, có thể các em đã không được đến một môi trường tốt hơn với những người bạn tốt hơn…
Cú ngã này thực sự không đáng để các em rơi vào bế tắc, mà chỉ là một đòn thức tỉnh để mạnh mẽ vượt qua. Thay vì mãi so sánh bản thân mình với người khác, các em hãy nhìn lại những nỗ lực của chính mình. Nếu hôm nay các em trượt nhưng ở những kỳ thi sau làm tốt hơn thì điều đó càng đáng tự hào.
PV: Phụ huynh cần làm gì để đồng hành cùng con vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này, thưa chuyên gia. Cơ hội nào cho những thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường công lập?
Ths Đỗ Trang: Cha mẹ là người đồng hành, chăm lo cho con, hy sinh thậm chí mệt mỏi không kém so với những thí sinh trong mỗi kỳ thi. Nhiều phụ huynh kể rằng thấy con học bài, bố mẹ cũng phải đi rón rén, không dám nói to sợ ảnh hưởng đến con. Nhiều cha mẹ tìm đến phòng tâm lý học đường còn khóc nhiều hơn các con, nói rằng “chị thương con lắm, thấy con thức đêm, thức khuya học đến gầy rạc người mà xót”. Những nỗi đau của phụ huynh rất thật, sâu thẳm trong mỗi nỗi lòng cha mẹ là tình thường yêu con, vừa là kỳ vọng và thậm chí một số người còn có tâm lý sợ rằng con nhà mình không bằng con người khác, sợ những đánh giá rèm pha. Nhưng tất cả những thứ bên ngoài không phải là thứ để ta sống.
Khi con thi trượt, chính cha mẹ cũng nên chấp nhận thực tế và đồng hành với con, tự xem lại mình đã thực sự hiểu năng lực của con hay chưa. Có thể con không thi đỗ trường công, nhưng lại có năng lực tốt hơn ở hội họa, âm nhạc, thể thao… các bậc phụ huynh hãy dành thời gian để hiểu hơn về con mình. Những lúc thế này, cha mẹ hãy ngồi lại cùng thảo luận kế hoạch hỗ trợ con khi thi trượt.
Với những em chưa thi đỗ vào lớp 10 công lập vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn khác ở các trường ngoài công lập hoặc giáo dục nghề nghiệp. Không có một môi trường nào tệ, nếu các em làm tốt, các em vẫn luôn tỏa sáng. Nếu không thể tốt nhất trong môi trường tốt nhất thì có thể tốt nhất trong một môi trường phù hợp. Cơ hội của các em không mất đi, mà chỉ là có thêm cơ hội để thử thách mình trong một môi trường khác.
PV: Xin cảm ơn chuyên gia./.