Tiêm vaccine: Chuyên gia bảo “dừng”, nhà quản lý “cứ tiêm”
VOV.VN-Dư luận, đặc biệt những người có con trong độ tuổi tiêm vaccine chắc chắn đang rất hoang mang trước nhiều luồng ý kiến.
Chiều qua (24/7), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã họp với Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế, Hội đồng tư vấn đánh giá phản ứng sau tiêm chủng và các chuyên gia đầu ngành, tập trung thảo luận về vụ việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine gan B tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Thông tin từ cuộc họp này cho thấy, tới thời điểm này vẫn chưa có kết luận xem vaccine có phải là nguyên nhân gây tử vong cho các bé sau khi tiêm vaccine viêm gan B vừa qua hay không. Bộ Y tế đang đề nghị cùng Bộ Công an phối hợp để tìm ra nguyên nhân khiến 3 trẻ sơ sinh đó tử vong. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện các xét nghiệm để sớm đưa ra kết luận về nguyên nhân của vụ việc. Đồng thời, Bộ Y tế còn giao cho Cục Y tế dự phòng đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới giúp kiểm định mẫu vaccine tại cơ sở kiểm định độc lập ở nước ngoài.
Bộ Y tế khuyến cáo tiếp tục đưa con mình đi tiêm chủng các vaccine (Ảnh: Anninhthudo.vn) |
Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con mình đi tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vẫn duy trì việc tiêm miễn phí vaccine viêm gan B đại trà cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, Giáo sư Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện quốc gia kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế cho rằng, tiêm vaccine, chỉ xảy ra các phản ứng nhẹ như đau đầu, nổi mẩn da, sốt nhẹ… Còn tử vong vì những lý do khác thì nguyên nhân gây tử vong có liên quan nhiều tới việc khám sàng lọc chưa được kỹ càng. Việc khám bệnh sàng lọc cho trẻ em trước khi tiêm cần phải thận trọng, kỹ càng. Cần giám sát người mẹ và chỉ nên tiêm sớm cho các cháu có mẹ bị nhiễm viêm gan B, thay vì tiêm vaccine viêm gan B đại trà cho các cháu ngay sau khi sinh như hiện nay.
Thậm chí, phát biểu trên báo Vietnamplus (ngày 23/7/2013) ông Bảng còn nhấn mạnh: “Trong tiêm chủng, việc tiêm nhanh quá cũng không được, phải tiêm đúng quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo tôi, một cháu bé vừa lọt lòng ra, chưa thích ứng được với môi trường, mà lại tiêm vaccine là chất lạ vào cơ thể, nhất là vaccine vừa lấy trong tủ lạnh ra, cơ thể đứa bé phản ứng lại là đúng. Trong trường hợp vaccine đó được lấy từ tủ lạnh ra, người tiêm đúng ra nên để ngoài một chút, cho nhiệt độ của vaccine tăng lên gần tương đương với nhiệt độ cơ thể của trẻ. Nếu là con cháu tôi, tôi sẽ không để tiêm ngay cho bé như thế. Trong tiêm chủng với trẻ sơ sinh, không nên vội vàng quá, bởi trẻ sau khi sinh 1, 2 tháng, 3 tháng, thậm chí đến 10 tháng sau vẫn có thể tiêm phòng được. Đối với những trẻ mà người mẹ bị viêm gan B, một mũi tiêm ở nhà hộ sinh không thể tác động để âm tính được ngay những kháng nguyên có virus viêm gan B”.
Nhưng ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, việc xét nghiệm viêm gan B cho tất cả các bà mẹ trước khi tiêm cho trẻ là không khả thi vì số lượng xét nghiệm sẽ rất lớn. Vả lại còn có những trường hợp bà mẹ mắc bệnh viêm gan ở thời kỳ cửa sổ, khi xét nghiệm sẽ không phát hiện được.
Còn theo PGS Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn sức khỏe cộng đồng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong sau tiêm chủng ngày càng nhiều là do sự đầu tư cho tiêm chủng mở rộng ở nước ta chưa tương xứng. Hiện có 26 loại bệnh có thể dự phòng bằng vaccine. Nhưng mới có 9 loại bệnh được tiêm vaccine miễn phí. Ngân sách dành cho tiêm chủng mở rộng mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, nên phải trông chờ vào nguồn vaccine viện trợ của quốc tế. Vì vậy, chúng ta chủ yếu vẫn sử dụng vaccine thế hệ cũ, độ an toàn thấp.
Có ý kiến đặt câu hỏi rằng: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong sau tiêm chủng, nhưng vì sao chỉ xảy ra đối với trẻ tiêm vaccine miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chưa thấy xảy ra đối với trẻ tiêm vaccine dịch vụ?
Bà Bùi Thị Việt Hoa, nguyên Trưởng phòng dịch tễ và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thì cho rằng, đã đến lúc ngành y tế cần có những đổi mới trong tiêm chủng mở rộng.
Về lý thuyết, tất cả các nguồn phát ngôn trên đều đáng tin cậy bởi tư cách khoa học, tư cách pháp lý của họ. Song, giữa các phát ngôn trước vấn đề rất quan trọng này lại không có sự thống nhất. Thực tế cũng cho thấy rằng, lâu nay hiếm có cơ quan chức năng nào liên quan vụ việc mà sớm tự nhận mình đã sai hoặc khẳng định ngay mình hoàn toàn đúng. Còn chuyên gia cũng hiếm thấy chủ động lên tiếng nếu thấy sự việc nào đó đang diễn ra không đúng. Chỉ khi có nảy sinh vụ việc thì tất cả mới vào cuộc theo cách của mình.
Và, trong khi các cơ quan chức năng còn đang tìm kiếm giải pháp, đang chờ kết luận, các chuyên gia còn tranh luận tính đúng đắn của giải pháp, hằng ngày vẫn có rất nhiều trẻ em được sinh ra. Sau rất nhiều vụ việc rắc rối, tai nạn có liên quan đến tiêm vaccine cho trẻ thời gian qua, vấn đề giờ không chỉ là chuyện của riêng vaccine viêm gan B hay chuyện tử vong 3 trẻ ở Quảng Trị.
Dư luận, đặc biệt những người có con trong độ tuổi tiêm vaccine chắc chắn đang cảm thấy rất… rối bời với câu hỏi: Tiêm vaccine, biết tin ai đây? Và tiêm vaccine như thế nào mới thực sự là đúng, tiêm ở đâu mới thực sự an toàn?