Tiếng dân ở nghị trường

Trong tổng số 42 câu hỏi dành cho Bộ trưởng Thăng, câu chất vấn của người dân trở thành “điểm nhấn” trong phiên chất vấn.

Trong phiên giải trình trước Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ sáng 24/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Thị Minh đều cho rằng, Quỹ Bảo trì đường bộ là cần thiết để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh: Chất lượng công trình giao thông đã trở thành “đại vấn đề”, không khắc phục được thì “thu bao nhiêu phí bảo trì cũng vô ích”.

Đến buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc to tin nhắn của một cử tri gửi ông nhờ chuyển đến Bộ trưởng Thăng: “Sao không bắt những chủ đầu tư làm cầu, đường kém chất lượng để hư hỏng tự bỏ tiền ra sửa, mà lại thu tiền của dân? Dân khổ quá rồi, đừng thu thêm phí nữa!”. Và đây là một trong những câu hỏi “nóng” thật sự.

“Nóng”, bởi câu hỏi được đặt ra đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng trách nhiệm và đúng với suy nghĩ của nhiều người dân. “Nóng”, bởi đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý đã thực hiện một cách trọn vẹn, ấn tượng sự gửi gắm của người dân. Ấn tượng đến mức nhiều người đã thốt lên, bằng cách này, người dân đã tham gia một cách trực tiếp vào phiên chất vấn. Và “nóng”, bởi hiệu ứng từ câu chất vấn của người dân đã làm nghị trường càng “nóng” thêm lên.

Đại biểu Phùng Văn Hùng chỉ ra một loạt vướng mắc sẽ nảy sinh khi thu phí: phí cao khiến dân ngại mua xe, nhà sản xuất có hạ giá cũng không bán được, thuế nộp vào ngân sách giảm; người dân dùng nhiều loại ô tô, mới, xịn cũng có mà cũ, rẻ cũng có, đều phải nộp phí như nhau. Hơn nữa, nếu lượng ô tô tăng dẫn đến các vấn đề giao thông thì là do quy hoạch, quản lý kém, “là lỗi của Nhà nước chứ đâu phải lỗi của dân, xe mua về đã chịu thuế cao, giờ lại gánh thêm phí”.

Đại biểu Dương Trung Quốc thắc mắc: Trong khi số lượng ô tô tăng lên là một hướng đúng, cần khuyến khích thì lại thu phí để hạn chế. Còn Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hà Thị Liên nêu cụ thể: “Có gia đình chắt bóp mới mua được một cái ô tô “còi” mà mỗi năm nộp phí 20 - 50 triệu đồng, sẽ rất khó khăn”.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh dẫn ra tình trạng xuống cấp của mặt cầu Thăng Long rồi đặt câu hỏi: “Cầu, đường do nước ngoài làm từ những năm 1960 đến nay vẫn tốt, sao cầu, đường ta làm mới vài năm đã xuống cấp trầm trọng?”, rồi nhận định: Chất lượng công trình giao thông đã trở thành “đại vấn đề”, không khắc phục được thì “thu bao nhiêu phí bảo trì cũng vô ích”.

Trước dồn dập những câu hỏi “nóng”, Bộ trưởng Thăng sau khi lần lượt giải trình từng vấn đề, cuối cùng đã để hình ảnh của ông đọng lại bằng lời nhận lỗi công khai trên diễn đàn: “Tôi thay mặt Bộ GT-VT nhận lỗi trước nhân dân là còn để tình trạng tiến độ công trình chậm, chất lượng công trình chưa đảm bảo theo yêu cầu. Chúng tôi đang từng bước khắc phục để sử dụng tiền ngân sách Nhà nước, tiền nhân dân đóng góp vào đúng chỗ”.

Nét mới của phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh La Thăng là cùng với 14 vị đại biểu còn có thêm 1 người dân nêu câu hỏi chất vấn trực tiếp.

Và trong tổng số 42 câu hỏi dành cho Bộ trưởng Thăng, câu chất vấn của người dân trở thành “điểm nhấn” trong phiên chất vấn. “Điểm nhấn” đó như càng đậm thêm trong dư luận khi cuối phiên chất vấn đã vang lên lời nhận lỗi trước nhân dân của Bộ trưởng Đinh La Thăng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên