Tiếng loa khuyến học
Cứ đến 19h hàng ngày, khi nghe thấy tiếng loa là trẻ em ở xã Quảng Tân (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) ngồi vào bàn học. Tiếng loa ấy từ lâu đã trở thành quen thuộc với mỗi người dân nơi đây...
Chuyện chiếc loa làng
Con đường đất ngoằn nghèo dẫn chúng tôi tới một vùng quê với những ngôi nhà lợp mái tranh lấp ló dưới ánh nắng như đổ lửa của buổi trưa hè. Dưới cánh đồng, lấp loáng những chiếc nón nghiêng nghiêng. Tĩnh lặng và bình yên. Nhưng đó không phải là tất cả.
Cùng chúng tôi đến nhà em Lê Thị Nhất, thôn Tân Hoa, xã Quảng Tân, bà Bùi Thị Tường, Hội trưởng Hội Khuyến học thôn Tân Hoa khoe: "đây là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất thôn, nhưng tinh thần vươn lên trong học tập của cả hai anh em thì không ai bằng”. Dù vậy, khi đứng trước ngôi nhà tranh vách đất của gia đình em Nhất, ai trong chúng tôi cũng thoáng bối rối.
Hàng ngày, sau giờ học Nhất lại phụ giúp mẹ chăm lo công việc của gia đình |
Bà Lê Thị Là, mẹ của Nhất, nghe tin nhà có khách, tất tưởi chạy từ đồng về. Bà kể với chúng tôi về cuộc đời nhiều nhọc nhằn, gian khó của gia đình mình. Nhưng trong mỗi lời kể, người mẹ đều không giấu nổi niềm tự hào về những đứa con chăm ngoan, học giỏi. Chồng bà, ông Lê Văn Hiền, bị mắc chứng thiểu năng trí tuệ nên lúc nào cũng ngờ nghệch, ngơ ngác như trẻ lên ba. Người làng thương tình, mướn ông trông coi đàn bò. Nhưng đàn bò đi trước, ông lững thững đi sau, rồi cũng chẳng biết chúng đi những đâu. Thế là mất bò. Mọi người thương tình, cũng chẳng ai bắt vạ ông. 20 năm nay, ông vẫn làm công việc chăn bò như thế.
Một mình phải gánh vác cả gia đình, nên ngay từ khi Nhất mới học lớp ba, bà Lê Thị Là đã phải ngược xuôi khắp nơi, ra Bắc vào Nam làm thuê để kiếm sống. Dường như không vùng đất nào là bà chưa từng đặt chân tới. Công việc cũng đủ cả, từ rửa bát thuê đến giúp việc nhà, dọn vệ sinh… miễn có việc là bà nhận làm để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Có những lần làm thuê trong Nam, không có tiền nên cả năm bà chỉ dám về quê một lần vào dịp Tết.
Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, Nhất cùng anh trai là Lê Văn Hóa đã phải thay mẹ gánh vác mọi việc, từ việc đồng áng đến việc nhà. Ở nhà cùng với người cha ngờ nghệch và bà nội đã ngoài 90 tuổi, hai anh em trở thành những người trụ cột trong gia đình. Dù vậy, cả hai vẫn rất cố gắng học tập. Hằng ngày, sau giờ đi học về, chỉ kịp cất cặp sách, hai anh em lại ra đồng. Nhưng dù bận bịu đến thế nào, cứ đến 7h tối, khi tiếng loa từ Nhà văn hóa xã vang lên là cả hai đều tranh thủ thu xếp công việc để ngồi vào bàn học.
Cứ thế, tuổi thơ của hai anh em gắn với những bữa cơm vắng bóng mẹ, và tiếng loa vẫn đều đặn vang lên mỗi tối, như một lời nhắc nhở, động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập.
Biết hoàn cảnh gia đình Nhất khó khăn nên trong các năm học, nhà trường đều miễn giảm học phí để tạo điều kiện cho hai em có cơ hội tiếp tục đến trường. Các bác trong Hội Khuyến học xã thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên, quyên góp sách cũ, đồ dùng học tập cho hai anh em Nhất. Hàng xóm xung quanh cũng mỗi người đỡ đần một tay, giúp hai anh em khi đến mùa cấy hái.
Cùng với thời gian và tiếng loa thân thuộc, anh trai của Nhất giờ đã là sinh viên năm thứ 4 Đại học Bách Khoa (Hà Nội). Nhất cũng sắp sửa lên lớp 12. Thói quen cứ đến 7h tối lại ngồi vào bàn học đã trở thành nếp của cả hai anh em. Người anh trai học ở xa, tuy không còn được nghe tiếng loa thân thuộc mỗi tối nhưng vẫn không bao giờ bỏ cái nếp học bài từ ngày còn nhỏ ấy.
Những người vác tù và…
Gần nhà Nhất, chỉ cách một quãng đồng, gia đình em Lê Thị Hồng, học sinh lớp 11C5, trường THPT Quảng Xương 1 cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy vậy, cả 5 chị em Hồng đều được đến trường. Người chị cả của em đã tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và trở về làm việc tại quê nhà. Hồng là con thứ ba trong gia đình, ngoài giờ học, cũng phải phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng và chăm lo cho hai em nhỏ. Bà Lê Thị Tầm, mẹ của Hồng, cho biết: “Nhà đông anh em nên các cháu tự bảo ban nhau học hành là chính, chứ vợ chồng tôi thì cứ đầu tắt mặt tối suốt ngày. Cũng may có các bác trong Hội Khuyến học của thôn tối nào cũng nhắc nhở trên loa nên cứ nghe thấy tiếng loa là chị em nó lại bảo nhau đi học bài”.
Tiếng loa khuyến học luôn là niềm tự hào của người dân xã Quảng Tân |
Bà Trần Thị Kửu, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quảng Tân tự hào kể với chúng tôi: “Cả xã có 7/11 thôn có tiếng loa khuyến học. Tối đến, dù bận rộn đến thế nào, mấy người trong Hội Khuyến học chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp thời gian ra Nhà văn hóa xã để qua tiếng loa, nhắc nhở các cháu học tập”. Chỉ cách đây chưa đầy chục năm, cả xã không có em nào đỗ đại học. Nhưng từ năm 2001, khi Hội Khuyến học xã được thành lập và bắt đầu có tiếng loa thì phong trào học tập trong các thôn được đẩy lên cao và Quảng Tân trở thành một trong những xã điểm về khuyến học của huyện Quảng Xương. Đến nay, cả xã đã có 85 em đỗ các trường cao đẳng, đại học.
Người đầu tiên phát động phong trào khuyến học trên địa bàn huyện Quảng Xương là ông Lê Thế Duyến, thương binh hạng 1/4, người xã Quảng Khê. Từ năm 1999, hằng ngày, cứ đến 7h tối là ông lại trèo lên gác đánh kẻng để nhắc nhở các cháu trong làng học bài. Đến 10h tối, ông lại lên đánh kẻng để báo giờ cho các cháu nghỉ. “Kẻng” của ông được chế từ chiếc vành ôtô. Người thương binh ấy giờ đã bước sang tuổi 73, nhưng không ngày nào ông quên đánh kẻng. Người trong làng đều đã quen với tiếng kẻng ấy và gọi bằng cái tên thân thuộc “kẻng của ông Duyến”. Và tiếng kẻng ấy đã nhanh chóng lan ra nhiều xã.
Ở Quảng Tân, nhắc đến thương binh Lê Bá Nghiêm, từ người lớn đến trẻ nhỏ, không ai là không biết. Mọi người gọi ông bằng một cái tên khác: "người vác tù và hàng tổng”. Là thương binh hạng 1/4 với một cánh tay bị cụt và đôi chân tập tễnh nhưng hằng ngày, với chiếc xe đạp cũ, ông vẫn lặn lội đi đến từng gia đình để động viên các cháu học tập. Cứ nghe thấy cháu nào bị ốm đau hay có hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học là ông lại đến tận nhà để động viên, giúp đỡ các cháu. Những món quà đôi khi chỉ là quyển vở, cái bút nhưng lại có ý nghĩa rất lớn và là động lực để nhiều em nhỏ vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập. Ông còn đến nhiều nơi để vận động, quyên góp sách vở cũ, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó mà nhiều em tưởng chừng phải bỏ học đã có thêm nghị lực để tiếp tục đến trường.
Vừa qua, ông Lê Bá Nghiêm đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Hiện nay, ông là Trưởng Ban liên lạc Hội Cha mẹ học sinh Trường tiểu học Quảng Tân, đồng thời là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học của xã.
Những ngày này, ở Quảng Tân, điện bị mất liên tục nên người dân cũng không được nghe thấy tiếng loa. Nhưng cứ đến 7h tối là trẻ nhỏ lại lục đục thắp đèn dầu ngồi học bài, với ước mong về một ngày mai tươi sáng hơn./.