Tiếng Nhật sẽ dần trở thành ngoại ngữ phổ biến ở trường học
VOV.VN -Bắt đầu từ năm 2013, Đề án dạy và học tiếng Nhật trở thành một hợp phần của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.
Sáng 8/10, Bộ GD-ĐT và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổng kết Đề án dạy thí điểm Tiếng Nhật trong các trường trung học Việt Nam giai đoạn 2003-2013.
Năm 2003, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận khung về việc dạy thí điểm tiếng Nhật trong trường phổ thông Việt Nam. Việc dạy tiếng Nhật được triển khai trong khuôn khổ Đề án “Dạy thí điểm tiếng Nhật trong trường THCS và THPT Việt Nam”. Đề án này góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu hợp tác ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật…, phát triển mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, hiệu quả hơn.
Học sinh THPT ngày càng coi tiếng Nhật là môn ngoại ngữ yêu thích (Ảnh minh họa) |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Từ những bước đi đầu tiên còn nhiều khó khăn với số lượng trường học và học sinh rất ít, đến nay tiếng Nhật đã trở thành một môn học chính thức trong chương tình giáo dục phổ thông Việt Nam và đang được dạy và học tại 31 trường phổ thông ở 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Huế và Bình Định với hơn 25.000 lượt học sinh theo học kể từ năm 2003 đến nay.
Kết quả thí điểm triển khai tiếng Nhật tại các trường phổ thông ở nước ta trong những năm qua cho thấy, học sinh hứng thú học tập, yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản; tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc. Kết quả học tập được cải thiện qua từng năm học. Phụ huynh học sinh từ chỗ còn băn khoăn, lo lắng về khả năng liên thông giữa THCS và THPT khi đăng ký cho con em mình vào học tiếng Nhật ở lớp 6, đến nay đã tin tưởng, yên tâm, tự nguyện cho con mình theo học tiếng Nhật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc dạy tiếng Nhật vẫn còn một số khó khăn về trang thiết bị phục vụ dạy học cũng như sách tham khảo tiếng Nhật chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh và giáo viên. Số giáo viên tiếng Nhật trong biên chế còn ít so với số lớp học hiện có. Một số giáo viên phải kiêm nhiệm dạy cả 3 khối lớp. Số giáo viên Nhật Bản phải cử về địa phương để hỗ trợ giáo viên Việt Nam dạy học còn ít. Điều này đã hạn chế việc trao đổi chuyên môn, dự giờ, rút kinh nghiệm giữa các giáo viên Việt Nam và giáo viên Nhật Bản.
Bộ GD-ĐT cho biết, bắt đầu từ năm 2013, Đề án dạy và học tiếng Nhật trở thành một hợp phần của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam giai đoạn 2008 – 2020” (nay gọi là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020).
Theo đó, Bộ tiếp tục triển khai dạy và học tiếng Nhật trong các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các Trung tâm giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó là ưu tiên xây dựng và phát triển chương trình 6 bậc năng lực với tài liệu giảng dạy và học tập tiếng Nhật khác nhau cho các đối tượng để đảm bảo chứng chỉ của Việt Nam cũng được công nhận tại Nhật Bản, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam dễ dàng đến Nhật Bản học tập, lao động và giao lưu hơn./.