Tiếp tục phát triển “Đề án phổ cập giáo dục mầm non”

Theo đó, đề án sẽ tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2010 – 2015 với nhiều biện pháp cụ thể và triệt để

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp giao ban triển khai Quyết định số 239/QĐ- TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010- 2015.

Kết luận nêu rõ: Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010- 2015 đã được các bộ, ngành và địa phương quán triệt và triển khai bước đầu.

Đây là một đề án có quy mô lớn nhưng rất cụ thể, thời gian thực hiện không dài, đòi hỏi sự nỗ lực, tham gia của cả hệ thống chính trị. Quá trình triển khai thực hiện phải khẩn trương, chủ động, tổ chức tốt việc giám sát, kiểm tra đôn đốc bảo đảm tính khả thi và có hiệu quả.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể sau: các địa phương lựa chọn các mục tiêu, nội dung của Đề án vào Nghị quyết của đảng bộ tỉnh, thành phố cũng như kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; xây dựng kế hoạch, bố trí đủ nguồn kinh phí, quỹ đất và giáo viên thực hiện đề án; thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non một cách hợp lý; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh tiến độ thực hiện đúng mục tiêu đề ra.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện đề án.

Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ liên quan hoàn thành xây dựng các dự án ODA về đào tạo giáo viên, xây dựng, cải tạo phòng học với tổng kinh phí khoảng 2.300 tỷ đồng, trình chính phủ xem xét.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tổng hợp nhu cầu về xây dựng cơ bản của các dự án thành phần, trình chính phủ bổ sung nguồn vốn xây dựng cơ bản để bảo đảm các phòng học, trang bị đồ dùng giảng dạy thuộc chỉ tiêu năm 2010, 2011...

Đối với các địa phương, trước ngày 15/10/2010, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tiến hành rà soát quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh có đủ quỹ đất để xây dựng trường, lớp học cho giáo dục mầm non.

Những điểm trường đã có đất, cần xem xét, điều chỉnh tăng số lượng tầng của nhà học phù hợp để tăng quy mô đào tạo.

Những nơi xây dựng mới, phải quy hoạch quỹ đất để xây dựng đủ chỗ học cho cả trẻ em 5 tuổi và các độ tuổi 3-4 tuổi; có thể mở rộng hình thức lớp mẫu giáo linh hoạt tại các gia đình bảo đảm cho trẻ em mẫu giáo được đi học..../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên