TP.HCM đề xuất linh hoạt thời gian học để tránh ùn tắc giao thông
VOV.VN - TP HCM đề xuất định hướng mở trong biên chế năm học thay vì 9 tháng một năm học như hiện nay. Theo đó, cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt
Trong báo cáo dự kiến gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, UBND TP.HCM đề xuất nhiều hướng sửa đổi Luật Giáo dục trong thời gian tới. Trong đó, một nội dung đáng lưu ý là TP.HCM đề xuất cho phép các trường linh hoạt thời gian học thay vì giữ nguyên khuôn mẫu 9 tháng như hiện nay.
TP HCM đề xuất cho phép các trường linh hoạt thời gian học (Ảnh: Tuổi Trẻ).
UBND TP.HCM đã có nhiều góp ý, đề xuất đối với nội dung Luật Giáo dục sửa đổi sắp tới. Trong đó, liên quan đến việc điều chỉnh thời gian học cho học sinh phổ thông, TP.HCM đề xuất định hướng mở trong biên chế năm học thay vì 9 tháng một năm học như hiện nay.
Theo đó, cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt để học sinh có thể học 1 buổi, 2 buổi hoặc học cả ngày để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp với đặc điểm của địa phương.
TP.HCM mong muốn các trường trên địa bàn không thực hiện cứng nhắc đủ 9 tháng/năm học mà thời gian có thể rút ngắn, kéo dài hoặc giữ nguyên, tùy từng điều kiện cụ thể.
Thành phố cũng đề xuất cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường và đặc điểm địa phương.
Bên cạnh đó, TP.HCM cho rằng Luật Giáo dục sửa đổi lần này cần tính toán để đảm bảo tính liên thông trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Nghiên cứu và luật hóa một số hình thức học tập không chính quy, học qua mạng internet…Cho phép cơ chế để các địa phương thí điểm thực hiện một số mô hình trường học mới.
TP.HCM cũng đề nghị bổ sung Khoản 1 Điều 70, cụ thể: “Nhà giáo là những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác hoặc đã có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác”. Đồng thời, phải xem đội ngũ nhà giáo là đội ngũ đặc biệt, có chế độ đãi ngộ đặc biệt (như quân đội, công an,…) để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành sư phạm./. Tiêu chí xác định hàng hóa phục vụ cho giáo dục