Trăn trở giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT và quá ít thí sinh thi Lịch sử

VOV.VN-Sai phạm tại một số hội đồng và chuyện 18 cán bộ trông 1 thí sinh thi Sử khiến dư luận tiếp tục băn khoăn, lo lắng.

Từ ngày 2-4/6, thí sinh cả nước dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Đây là năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT đổi mới thi cử theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo đó, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT điều chỉnh môn thi, hình thức thi theo hướng giảm số môn thi xuống còn 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn học sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại Hôi đồng thi trường THPT Yên Hòa, Hà Nội

Cùng với việc điều chỉnh các môn thi, năm nay, đề thi có sự thay đổi căn bản theo hướng đánh giá năng lực của học sinh, tăng cường các câu “mở” với yêu cầu học sinh sử dụng các kỹ năng, kiến thức tổng hợp, hiểu biết xã hội để giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tế cuốc sống.

Đề thi được đánh giá có tác động tích cực đến quá trình dạy học, từng bước khắc phục tình trạng “học tủ”, mang tài liệu vào phòng thi, sử dụng các bài tham khảo theo khuôn mẫu có sẵn, góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay còn bộc lộ một số hạn chế như tại các hội đồng thi trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội và Hội đồng thi trường THPT Trưng Vương, Văn Lâm, Hưng Yên đã xảy ra sai phạm khi giám thị để cho thí sinh trong phòng tự do trao đổi bài. Ngoài hành lang, giám thị cũng thoải mái nói chuyện thay vì giám sát thí sinh làm bài trong phòng.

Ngoài ra, dư luận cũng đang chú ý đến sự việc thầy Đỗ Việt Khoa-người đã nhiều năm đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục vừa cung cấp một số hình ảnh, video clip nghi sai phạm tại Hội đồng thi trường THPT Nam Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Trước những sai phạm trên, nhiều người lo ngại rằng, với một kỳ thi tốt nghiệp THPT không nghiêm túc thì sẽ khó có thể lấy làm căn cứ để xét tuyển cho thí sinh dự thi vào các trường ĐH, CĐ.

Sự băn khoăn, lo lắng hoàn toàn có cơ sở khi mà hiện nay, giáo viên và học sinh chưa ý thức và thực sự hướng tới việc dạy thật và học thật. Học sinh đối phó với kỳ thi để lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Còn giáo viên và nhà trường thì vẫn còn chạy theo “bệnh thành tích” để có được tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT ở mức cao nhất.

Thực tế, từ nhiều năm nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở các tỉnh, thành luôn rất cao, lên đến con số 98%. Tuy nhiên, trong kỳ thi năm nay, với việc để cho thí sinh chọn lựa môn thi ngoài 2 môn bắt buộc và đề thi được đánh giá là vừa sức, không quá khó. Nhiều đề thi môn Hóa học, Ngoại ngữ được nhiều thí sinh cho biết là tương đối dễ, chỉ làm trong một nửa thời gian thì rất có thể tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT vẫn giữ ở con số 98%.

Thậm chí, nhiều cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục còn lo ngại, với quy định xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp bằng việc kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn với kết quả học tập tất cả các môn của lớp 12 theo trọng số 50%+50% thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT có thể cán đích 100%. Bởi cho đến nay, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 12 chưa thực sự khách quan, chính xác và trung thực.

Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dự đoán là cao gần như tuyệt đối và những sai phạm, tiêu cực tại các hội đồng trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay thì liệu rằng, Bộ GD-ĐT có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa hay không?

Một vấn đề khác đang khiến dư luận xã hội quan tâm là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được Bộ GD-ĐT đổi mới theo cách thức giảm áp lực thi cử cho học sinh bằng cách rút ngắn từ 6 môn thi xuống còn 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn.

Với cách thức trên, nhiều thí sinh đã không chọn môn Lịch sử là môn để thi tốt nghiệp THPT. Điều đó được chứng minh là có trường THPT không có thí sinh nào đăng ký thi môn Lịch sử. Nhiều hội đồng thi chỉ có vài thí sinh, thậm chí là tại Hội đồng thi trường THPT Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội có 18 cán bộ coi thi 1 thí sinh dự thi Sử. Sự việc này cho thấy đây là sự lãng phí ngân sách Nhà nước nhưng cũng gióng lên hồi chuông báo động đối với thực trạng học sinh “quay lưng” với môn Lịch sử.

Vấn đề đặt ra là trong lộ trình đổi mới thi cử bằng cách giảm môn thi, giảm áp lực cho học sinh nhưng điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng học sinh “học tủ, học lệch”, chỉ học những môn dễ học, dễ thi và dễ dàng đạt điểm cao. Và nếu tình trạng này kéo dài đối với môn Lịch sử thì thử hỏi rằng, trong tương lai môn học này sẽ đi về đâu? Và nếu thế hệ trẻ không hiểu và còn mơ hồ về lịch sử dân tộc thì sẽ nguy hại như thế nào?

Hiện nay, chúng ta vẫn đang chờ đợi kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, những lo lắng, băn khoăn trên hoàn toàn có cơ sở và cần lưu tâm. Bởi đổi mới, cải cách giáo dục là cần thiết nhưng phải làm sao để giáo dục nước nhà không rơi vào vòng luẩn quẩn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên