Trẻ lớp 1 mệt nhoài vì học

Nhiều phụ huynh có con học lớp 1 “phát sốt” khi thấy con mình học hành quá căng thẳng, mệt mỏi. Có trẻ học từ sáng đến chiều đã mệt nhoài, về đến nhà chỉ kịp ăn tối xong lại lao vào học đến 9 - 10 giờ đêm…

Học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm

Từ năm học 2004 - 2005, Sở GD - ĐT Hà Nội đã quy định học sinh tiểu học nếu học 2 buổi/ngày thì tuyệt đối không được giao bài tập về nhà. Song, trên thực tế, có nhiều trường vẫn giao khá nhiều bài tập về nhà cho trẻ học lớp 1, khiến trẻ luôn bị quá tải, căng thẳng. Một phụ huynh có con học lớp 1, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cho biết: “Hôm nào cô cũng phát một tờ phiếu bài tập gồm 3-4 bài toán và một bài tập viết. Cuối tuần, nghỉ 2 ngày thì cô giao 2 phiếu bài tập. Cả ngày con bé học hành căng thẳng, tối ăn xong, 7 giờ lại vùi đầu vào làm bài tập ở nhà cho đến 9 - 10 giờ đêm. Nhiều hôm hai mẹ con đánh vật với bài vở và dù học chưa được 1 tháng mà mặt mũi nó đã xanh xao. Nhìn mà thấy thương con quá nhưng chả biết làm sao, vì nếu không học thì sợ không theo kịp các bạn”.

Trẻ mệt nhoài vì học nhiều

Chị Nguyễn Thu Hương, có con học lớp 1 ở một trường tiểu học thuộc quận Ba Đình, tâm sự: “Học bán trú cả ngày đã vất vả, nhưng tối về vẫn được cô giáo giao bài tập, thế nên tối nào 2 mẹ con cũng phải gò lưng làm cho hết bài. Mặc dù cháu đi học chữ 3 tháng trước khi bước vào năm học mới, nhưng cháu vẫn luôn bị cô cho điểm 1, 2, 3. Điều này đã khiến cháu buồn và bản thân tôi cũng lo lắng. Thế là tôi đành xin cô giáo cho cháu học thêm vào ngày nghỉ để luyện viết chữ, luyện đọc”.  Phải chăng các giáo viên tiểu học đều nghĩ rằng, các bé bước vào lớp 1 là đã biết đọc, biết viết rồi nên vào là học chữ, không phải cầm tay viết chữ hay dạy các con từng nét bút (?!) Thế rồi, nếu cháu nào “trót” không “đọc thông, viết thạo” ngay trong vài ba tuần học thì sẽ liên tục bị lĩnh điểm kém.

Trên các trang web, đặc biệt trang web trẻ thơ, nhiều phụ huynh băn khoăn, mới đầu học kỳ 1, cô giáo đã đọc chính tả cho bé chép. Mỗi ngày bé phải viết một trang rèn chữ. Vì vậy, nhiều bé mỗi tối chỉ rèn chữ đã mất 2 giờ, làm sao mà học những môn khác như: Tự nhiên xã hội, Tiếng Việt, Tập đọc, Toán, Thủ công, Đạo đức... Với những trẻ đi học trước còn đỡ “bi đát”, còn với những trẻ chưa được học trước thì vất vả, khổ sở hơn rất nhiều, thậm chí còn bị điểm kém. Nhiều phụ huynh cũng trong tâm trạng bức xúc vì trẻ vừa mới chập chững qua tuổi mầm non để bước vào làm quen với mặt chữ, mặt số, tập viết, tập đọc, tập làm tính... nhưng với cách giáo dục lớp 1 như thế, các bé đã phải chịu quá nhiều áp lực, nhiều lúc mất ăn mất ngủ, bỏ cả các thói quen đàn hát, vui chơi... để dồn hết sức lực và thời gian vào việc làm bài tập. Điều này khiến cho trẻ luôn có tâm lý mệt mỏi, sợ hãi và mất hết hứng thú học tập khi đến lớp.

Trẻ khổ vì “bệnh thành tích”?

“Cửa ải lớp 1” là cụm từ mà các nhà tâm lý học dùng để chỉ một bước ngoặt khi trẻ bước từ môi trường vui chơi sang học tập. TS. Nguyễn Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý học, Đại học KHXH-NV Hà Nội đã chỉ ra rằng: “Trong số những trẻ có biểu hiện lo âu khi mới bước vào lớp 1 thì có tới 66,3% trẻ liên quan đến mối quan hệ với giáo viên”.

Theo dự thảo quy định về đánh giá xếp loại đối với học sinh tiểu học mà Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố, đánh giá và xếp loại kết quả đạt được của giáo viên cần coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh, tuyệt đối không tạo áp lực cho trẻ

Theo bà Hằng, đối với trẻ lớp 1 nói riêng và tiểu học nói chung thì mối quan hệ với giáo viên được đặc trưng bởi cảm xúc khác nhau như trẻ rất yêu mến cô giáo của mình, hành động và lời nói của cô giáo gần như có uy quyền tuyệt đối với trẻ, có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi và cảm xúc của trẻ... Mặt khác, sự tuyệt đối hóa hành động và lời nói của cô giáo tạo ra áp lực không nhỏ với chính bản thân các em. Có tới 26,65% học sinh có mức độ lo âu cao ở các yếu tố liên quan đến các tình huống kiểm tra kiến thức. Những trải nghiệm kiểm tra kiến thức trên lớp hoặc áp lực về điểm số; tâm lý sợ đám đông, tính nhút nhát… là những yếu tố khiến trẻ âu lo như: “Con sợ bị cô giáo cho điểm thấp”; “Con sợ cô giáo mắng”; “Con sợ cô giáo và các bạn cười”; “Con sợ làm không đúng”…

Đáng lưu ý, những xúc cảm này có sự liên quan đến sự “hụt hẫng nhu cầu thành tích” hay nói đúng hơn là thành tích học đường, chiếm 31,52%. Đối với trẻ lớp 1, thành tích học tập là một áp lực rất lớn - xuất phát từ sự kì vọng của phụ huynh, từ thầy cô về thành tích học tập của các em, áp lực đánh mất hình ảnh bản thân… Các tham vấn tâm lý đều có lời khuyên: “Hãy giúp bé bằng những lời khen ngợi để bé kiên trì, cố gắng, không nên quá kì vọng bé giỏi giang, thông minh bởi bé mới chỉ là một đứa trẻ lớp 1”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên