Triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ

Bộ sách giáo khoa tiếng Anh lớp 3 sau 1 năm thí điểm đã được đưa vào áp dụng chính thức.  

Sáng 19/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến để tiếp tục triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Hội nghị diễn ra tại 5 điểm cầu Hà Nội, TP  HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự tại điểm cầu Hà Nội.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp từ trung cấp đến đại học sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp, học tập và làm việc.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm từ 2008-2010, Bộ đã xây dựng xong Chương trình thí điểm dạy tiếng Anh bậc tiểu học và đang tiến hành xây dựng Chương trình tiếng Anh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh lớp 3 sau 1 năm thí điểm đã đưa vào áp dụng chính thức.

18 trường đại học, cao đẳng được lựa chọn để tập trung đầu tư và thí điểm chương trình, phương pháp bồi dưỡng giáo viên mới. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên là vấn đề vướng mắc nhất hiện nay. Trình độ giáo viên ngoại ngữ còn chênh lệch ở các vùng miền; giáo viên giỏi đang thừa nhưng thiếu người dạy tiếng Anh tiểu học, tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn ngoại ngữ còn rất lớn, phần lớn học sinh có tâm lý học để thi, đa phần học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông không sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp thông thường.

Giai đoạn 2011-2015, Ban Quản lý Đề án xác định nhiệm vụ từng bước triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông, tăng cường dạy và học ngoại ngữ đối với các cấp bậc, trình độ đào tạo; triển khai dạy môn Toán bằng ngoại ngữ ở khoảng 30% các trường Trung học phổ thông tại các thành phố, đô thị lớn và 1 số địa bàn trọng điểm…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Đề án này hướng đến mục tiêu biến ngoại ngữ thành 1 trong những điểm mạnh của lao động Việt Nam. Muốn vậy phải chuyển từ dạy và học ngoại ngữ như 1 môn học sang dạy và học ngoại ngữ như một công cụ để sống và làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế”.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt cần thực hiện quyết liệt việc đào tạo lại và đào tạo mới giáo viên ngoại ngữ: “Trách nhiệm của Bộ Giáo dục –Đào tạo là đẩy mạnh việc giao nhiệm vụ cho các trường, các khoa đào tạo ngoại ngữ giữ vai trò đào tạo lại giáo viên ngoại ngữ. Đề nghị sắp tới cả nước phải có 180 trường đại học, chưa kể cao đẳng, tham gia chương trình đào tạo”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên