Trong lúc khó khăn cắt giảm lương là không nên

VOV.VN -Giảm lương thì chỉ giải quyết được một phần nhỏ cho ngân sách nhưng hệ lụy với xã hội lại rất lớn.

“Trong lúc khó khăn, chúng ta không nên giảm bớt tiền lương mà ủng hộ Chính phủ tăng bội chi ngân sách (mặc dù là biện pháp tình thế) để bù cho phần mất cân đối thu của năm 2014”.

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đã đến lúc làm triệt để cải cách tiền lương (ảnh Quang Trung)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã khẳng định điều này khi trao đổi với VOV online về ý kiến của Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ giảm lương cơ bản 100.000 đồng trong năm 2013, ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ: “Sở dĩ, Bộ Tài chính phải tính tới phương án này vì có lý do riêng. Thứ nhất là chỉ số trượt giá đang đảm bảo theo đúng chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội, dư địa tăng chỉ số này từ nay tới cuối năm chỉ còn 2,4%. Thứ hai, khó khăn lớn nhất của chúng ta là tốc độ tăng trưởng có nhưng không cao và quan trọng là hụt thu lớn, khả năng cân đối ngân sách khó. Vì thế, Bộ Tài chính xin ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng chính phủ để trình Quốc hội việc giảm 100.000 đồng, tức là quay trở về tiền lương tối thiểu năm 2012. Thủ tướng Chính phủ đã trả lời chính thức là không chấp nhận ý kiến này”.

Nếu đưa ra chắc chắn Quốc hội sẽ không đồng ý

PV: Nếu giả định Chính phủ chấp nhận phương án của Bộ Tài chính và xin ý kiến Quốc hội thì ông nghĩ sao?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Nếu Chính phủ chấp thuận phương án của Bộ Tài chính thì giải quyết được một việc là dành được 21.000 tỷ để tăng thêm đầu tư cho năm 2014. Điều này giúp tăng cho đầu tư xã hội, cũng là tốt, nhưng “lợi bất cập hại” vì đời sống của người lao động đang khó khăn sẽ tiếp tục khó khăn hơn. Điều chỉnh lương tăng 100.000 đồng hồi đầu tháng 7 vừa qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ công chức. Việc tăng lương trong ba năm vừa qua khoảng 35% mới chỉ đủ bù đắp cho trượt giá; tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ công chức (mới đạt trên 60%).

Rõ ràng, nếu chấp nhận phương án này thì mục tiêu tăng thêm một phần cân đối ngân sách đạt được nhưng lại không đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội; đời sống cán bộ công nhân viên chức, đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Cho nên, phương án đó nếu đưa ra chắc chắn Quốc hội sẽ không chấp thuận.

PV: Để giải quyết bài toán thu ngân sách khó khăn, Chính phủ sẽ xin Quốc hội nâng trần bội chi lên 5,3%. Quan điểm của ông về phương án này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Chính phủ chưa báo cáo Quốc hội nhưng dự kiến là nâng bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% để tăng thêm mấy chục ngàn tỷ, đầu tư cho phát triển. Cá nhân tôi đồng ý với phương án này. Trong lúc đời sống còn khó khăn, việc giảm tiền lương là không nên, nhưng tăng bội chi ngân sách để bù cho phần mất cân đối thu của năm 2014 để tạo nguồn chi cho đầu tư phát triển nhằm mục tiêu tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết. Nhưng Chính phủ phải đưa ra các phương án bố trí phần ngân sách này thật cụ thể, thuyết phục thì Quốc hội mới có thể thông qua. Vì mục tiêu của chúng ta đang cố gắng kiềm chế bội chi ngân sách dưới 5% bây giờ lại nâng lên trên mức 5% là điều không đúng qui luật và không phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, trong lúc khó khăn này, để khắc phục tình thế trước mắt, đảm bảo tiến độ các công trình trọng điểm đang đầu tư dở dang thì việc tăng bội chi để bố trí ngân sách cho các công trình dự án đang dở dang nhằm sớm hoàn thành để phát huy hiệu quả là cần thiết; vừa tránh lãng phí vừa có khả năng tạo được nguồn thu cho ngân sách; nhưng vấn đề quan trọng là phải lựa chọn đúng và trúng đâu là công trình, dự án để đầu tư hiệu quả. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi ủng hộ quan điểm của Chính phủ.

PV: Nếu năm 2014 tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, Chính phủ lại nói không có tiền trả lương và muốn tăng bội chi nữa thì sao, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tình huống bất khả kháng chỉ nên xử lý trong một trường hợp cụ thể chứ không thể là tiền lệ năm sau lại tiếp tục. Năm nay là năm bản lề, năm khó khăn thì xử lý một bước để giải quyết trước mắt, làm tiền đề cho năm 2015, không thể là tiền lệ mãi được.

Giảm lương là không thực tế, thiếu thuyết phục

PV: Trở lại với kỳ họp trước của Quốc hội, lúc đó ông Vương Đình Huệ là Bộ trưởng Tài chính đã khẳng định bố trí đủ nguồn cho tăng lương. Thế nhưng chưa đầy 5 tháng, người kế nhiệm ông Huệ lại đưa ra phương án giảm lương. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tại kỳ họp thứ V của Quốc hội  Chính phủ đã cân đối nguồn cho tăng lương tối thiểu thêm 100.000 đồng cũ ng rất khó khăn rồi và thời điểm đó tình hình kinh tế đang diễn ra trong điều kiện thuận lợi hơn bây giờ. Thật ra, lúc đó, Chính phủ cũng không định nâng lương, nhưng khi Quốc hội có ý kiến thì Chính phủ đồng ý để xử lý vấn đề này. Nếu lúc đó, Chính phủ không xử lý thì Quốc hội cũng sẽ có ý kiến. Năm nay, tình hình tiếp tục diễn biến xấu, DN khó khăn ngừng hoạt động, bị phá sản, vẫn gia tăng… dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách. Ngân sách những năm trước chủ yếu thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chiếm 70%). Bây giờ nguồn này giảm đi. Bộ trưởng Tài chính đưa ra tình huống này cũng là căn cứ vào tình hình thực tế và cũng là bất khả kháng. Bởi Chính phủ lúc nào cũng muốn điều hành tốt, đời sống dân được nâng lên…nhưng cái khó bó cái khôn; tuy nhiên, đề xuất giảm lương là không thực tế, thiếu thuyết phục.

PV: Theo ông, trong lúc khó khăn này có nên cơ cấu lại hệ thống tiền lương hay không?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đúng như vậy. Định hướng của Đảng và Nhà nước là sớm cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo nguyên tắc đầu tư cho con người cũng là đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên, mặc dù còn khó khăn như hiện nay nhưng muốn tạo ra động lực phát triển cần phải sớm nghiên cứu cơ cấu lại hệ thống chính sách tiền lương để tạo cơ hội cho sự phát triển trong tương lai. Bởi vì, tiền lương của khu vực sản xuất kinh doanh đã được qui định trong Bộ luật Lao động. Hội đồng tiên lương quốc gia đã được thành lập là cơ quan  tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để xuất ra mức lương tối thiểu làm căn cứ cho chủ sử dụng lao động và người lao động dựa trên mức tiền lương tối thiểu đó để thỏa thuận mức tiền lương trong hợp đồng lao động. Lực lượng vũ trang và chính sách đối với người có công là do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Riêng khu vực viên chức hiện nay đang là “boongke” với gần 1,8 triệu người được điều chỉnh bởi Luật viên chức. Các đối tượng này thuộc 3 loại hình đơn vị sự nghiệp: Nhà nước bảo đảm 100% nguồn kinh phí; Nhà nước hỗ trợ một phần và các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về tài chính. Khu vực này Nhà nước đã ban hành cơ chế chính sách về giao quyền tự chủ tài chính trên cơ sở tính đúng tính đủ để phấn đấu từng bước cân đối thu chi, khuyến khích tăng năng suất lao động bảo đảm thu nhập hợp lý theo luật định.

Còn lại đối tượng cần cải cách tiền lương hiện nay chính là khu vực công chức nhà nước. Phải sớm thực hiện việc cải cách hành chính, giảm nhẹ biên chế, bố trí công chức theo vị trí việc làm khắc phục cho được tình trạng một bộ phận công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Khuyến khích thúc đẩy tăng năng suất lao động, gắn tiền lương với hiệu quả công tác và quan trọng nhất là đảm bảo sự công bằng trong cống hiến và hưởng thụ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngân sách đang rất khó khăn

Bộ Kế hoạch-Đầu tư báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2013, lũy kế đến 15/9/2013, tổng thu NSNN ước đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, đạt 62,5% dự toán năm; tổng chi NSNN ước đạt 640,37 nghìn tỷ đồng, đạt 65,5% dự toán năm. Cơ quan này khẳng định “Tiến độ thu ngân sách đạt thấp so với kế hoạch”.

Cùng cách đánh giá này, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: Tương tự như năm 2012, thu từ dầu thô tiếp tục là nhân tố chủ yếu để bù đắp cho hụt thu từ thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng/2013.

Với xu hướng giảm thu từ hoạt động XNK (so với kế hoạch) vẫn tiếp tục kéo dài từ năm 2012 đến nay; xu hướng sản lượng, giá dầu và tốc độ tăng thu từ dầu thô giảm so với cùng kỳ năm 2012 cùng những yếu tố làm tăng mạnh thu NSNN trong những tháng cuối năm 2013 không nhiều. UBGSTCQG cho rằng khả năng cân đối NSNN theo kế hoạch đề ra sẽ tiếp tục gặp những khó khăn thách thức lớn trong những tháng cuối năm 2013./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề xuất mức tiền lương tối thiểu tăng hơn 30%
Đề xuất mức tiền lương tối thiểu tăng hơn 30%

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất hai phương án tăng mức lương tối thiểu năm 2014 đáp ứng 75-84% nhu cầu sống tối thiểu.

Đề xuất mức tiền lương tối thiểu tăng hơn 30%

Đề xuất mức tiền lương tối thiểu tăng hơn 30%

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất hai phương án tăng mức lương tối thiểu năm 2014 đáp ứng 75-84% nhu cầu sống tối thiểu.

Thanh tra toàn diện 4 doanh nghiệp “lương khủng”
Thanh tra toàn diện 4 doanh nghiệp “lương khủng”

UBND TPHCM đã chính thức chỉ đạo Thanh tra thành phố tổ chức thanh tra toàn diện 4 doanh nghiệp công ích trong vụ “lương khủng” vừa qua

Thanh tra toàn diện 4 doanh nghiệp “lương khủng”

Thanh tra toàn diện 4 doanh nghiệp “lương khủng”

UBND TPHCM đã chính thức chỉ đạo Thanh tra thành phố tổ chức thanh tra toàn diện 4 doanh nghiệp công ích trong vụ “lương khủng” vừa qua

Nhiều ngân hàng giảm 50% lương để xử lý nợ xấu
Nhiều ngân hàng giảm 50% lương để xử lý nợ xấu

VOV.VN -Ngoài ra, các NH này còn hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, kiểm soát rủi ro tín dụng…

Nhiều ngân hàng giảm 50% lương để xử lý nợ xấu

Nhiều ngân hàng giảm 50% lương để xử lý nợ xấu

VOV.VN -Ngoài ra, các NH này còn hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, kiểm soát rủi ro tín dụng…

Lương không thể tăng quá cao
Lương không thể tăng quá cao

VOV.VN -Ai cũng muốn tăng lương cao cho người lao động, nhưng nếu lương tăng quá cao thì DN sẽ không còn sức cạnh tranh.

Lương không thể tăng quá cao

Lương không thể tăng quá cao

VOV.VN -Ai cũng muốn tăng lương cao cho người lao động, nhưng nếu lương tăng quá cao thì DN sẽ không còn sức cạnh tranh.