Trường ĐH phong giáo sư: Nhập nhèm giữa đánh giá trình độ và bổ nhiệm
VOV.VN - Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang: Trường ĐH tự phong GS có nghĩa tự đôn nhau lên; rất dễ bị nhập nhèm giữa đánh giá trình độ với việc bổ nhiệm chức vụ.
Việc trường ĐH Tôn Đức Thắng triển khai thực hiện việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Việc làm này của ĐH Tôn Đức Thắng đúng sai như thế nào? Dưới đây là ghi nhận của một số chuyên gia:
So với thế giới, nhiều nước có các hệ thống khác nhau. Có nước các trường tự phong GS theo tiêu chuẩn, vị thế, uy tín, chức năng, nhiệm vụ, chiến lược của trường.
Việc xét để công nhận cũng như bổ nhiệm chức danh GS, PGS ở Việt Nam đã có các văn bản của Nhà nước được ban hành. Đây là cơ sở pháp lý để chúng ta thực hiện. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc phong GS, PGS như vậy mới đúng quy định, quy trình, cơ sở pháp lý.
** PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Đừng để khái niệm bị “đánh đồng”
Ở đây, việc gắn GS, PGS trường này hay trường khác đã được làm ở nhiều nước có các trường đại học lớn. Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, ở ta, đặc điểm cách thức quản lý hệ thống giáo dục còn khác so với các nước.
Chúng ta đã có bộ tiêu chí chuẩn, những người đạt được tiêu chí đó thì mới được phong ở chức danh đó và được bổ nhiệm ở những vị trí tương xứng đối với cơ sở giáo dục thì mới có tác dụng định hướng chuyên môn, để đảm bảo chất lượng chuyên môn sâu của bộ môn, ngành đó.
Ở ta việc phân tầng, phân cấp, đánh giá chất lượng giáo dục đại học hiện nay còn có nhiều bất cập. Hiện nay đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học, nhưng chất lượng chuyên môn đào tạo chưa được đồng đều. Do đó nếu cùng tồn tại song song cả hai hệ thống chức danh do Nhà nước phong và do các trường tự bổ nhiệm phải hết sức cân nhắc.
Đặc biệt nếu có giao thì phải phải giao cho những trường đứng đầu chuyên môn, số lượng GS đảm bảo, phải có thí điểm và thận trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tâm tư của các nhà khoa học chân chính. Bởi họ sẽ thấy khái niệm này sẽ bị “đánh đồng” như GS Ngô Bảo Châu nói.
Trong vấn đề này, đánh giá trình độ chuyên môn là điều khó nhất. Điều này cần có một hội đồng gồm những người giỏi chuyên môn, không có GS của trường này hay trường kia một cách chung chung.
Bắt đầu phải là GS ngành như GS Toán, GS Lý… chứ không phải GS của trường dạy cái gì cũng được. Khi các trường đại học chưa có đầy đủ đội ngũ để có khả năng đánh giá về mặt chuyên môn cho từng ngành, việc tồn tại Hội đồng Nhà nước, trước hết là các ngành là rất cần thiết. Đây chính là nơi đánh giá năng lực chuyên môn của các nhà khoa học. Còn việc trở thành nhà khoa học có trình độ để bổ nhiệm vào một vị trí làm việc nào đó là việc của trường.
Chúng ta đã tính đến xu thế hội nhập, đến một ngày nào đó, việc phong GS, PGS bao gồm hai công đoạn đánh giá trình độ và bổ nhiệm vào một vị trí làm việc nào đó do các cơ sở giáo dục làm. Nhưng hiện nay, các cơ sở giáo dục của ta rõ ràng còn xa mới đáp ứng được việc đánh giá trình độ. Họ cứ nghĩ rằng thế giới làm như thế mà quên rằng thế giới họ có một công đoạn đánh giá trình độ rất khắt khe.
Trường Đại học tự phong Giáo sư: Cần hiểu tự chủ như thế nào?
Thử hỏi, một trường chưa có GS của ngành đó thì làm sao có thể phong hay đánh giá được trình độ của một tiến sĩ nào đó làm GS hay PGS của ngành đó? Hiệu trưởng là một tiến sĩ, lập hội đồng đánh giá, có nghĩa tự đôn nhau lên, tự phong cho nhau.
Cách này rất dễ làm cho người ta bị nhập nhèm giữa một bên là đánh giá trình độ ở một lĩnh vực chuyên môn cụ thể, gọi là GS ngành gì, với việc bổ nhiệm chức vụ đó với tư cách là người quản trị, quản lý của một cơ sở đào tạo. Hai chuyện này là hoàn toàn khác nhau./.