Trường Thanh Nguyên phá sản: Cần bảo vệ quyền lợi của học sinh
VOV.VN - Tỉnh Bình Thuận yêu cầu Chi cục Thi hành án và TAND TP Phan Thiết đảm bảo cho học sinh trường Thanh Nguyên hoàn thành chương trình năm học
Việc thi hành án phá sản Trường mầm non - tiểu học Thanh Nguyên (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) khi hơn 1.000 học sinh tại đây chưa kết thúc năm học đã khiến cho nhiều phụ huynh bức xúc. Họ mong nhà nước cần can thiệp kịp thời để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
Khoảng 15 giờ ngày 23.3, lực lượng thi hành án và quản tài viên đến trường Thanh Nguyên thông báo niêm phong tài sản.
Công ty TNHH Nguyên đã bị Tòa án nhân dân TP Phan Thiết tuyên bố phá sản từ ngày 18/01/2017. Chiều 23/3 vừa qua, lực lượng Thi hành án TP Phan Thiết và quản tài viên Trần Đăng Minh đã đến thực hiện việc thông báo niêm phong tài sản Trường mầm non - tiểu học Thanh Nguyên. Nhưng do thiếu kiềm chế, hai bên đã xảy ra xô xát trong khuôn viên trường.
Anh Ngô Hoàng Trung ở phường Xuân An, thành phố Phan Thiết có 3 con nhỏ đang theo học tại đây. Anh cho rằng lực lượng của quản tài viên đến đòi niêm phong tài sản trường Thanh Nguyên trong lúc học sinh vẫn còn đang học là hành động đáng buồn. Con anh bị ảnh hưởng tâm lý sau khi nhìn thấy cảnh náo loạn.
Ông Ngô Hoàng Trung kể: “Sự việc xảy ra khi tôi đến đón 3 đứa con, tôi rất là sợ, hoảng loạn. Kể cả sáng cháu dậy đi học cháu hỏi: Ba ơi, hôm nay con lên trường con sợ quá, không biết mấy chú bảo vệ có dí súng vô đầu con hay không. Con không dám đi học nữa đâu ba ơi!”.
Quan tâm vấn đề này, Luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận nói cần nên xem lại quy trình làm việc của quản tài viên và lực lượng phối hợp. Khi tiến hành thanh lý phá sản, lực lượng này phải phân định rõ các loại tài sản và học sinh của trường. Vấn đề này rất hệ trọng. Khi nào giải quyết thỏa đáng việc điều chuyển học sinh mới tính đến chuyện bàn giao tài sản cho chủ nợ.
Các bên xử xự thiếu kiềm chế ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. |
Ông Thiện nói: “Giả sử giữa quản tài viên và doanh nghiệp thống nhất chuyển học sinh đi hết và toàn bộ tài sản của các cô giáo đưa ra hết;còn lại tài sản nằm trong danh mục phải phá sản, sau đó thống nhất với với tổ chức này 15-20 ngày sau tới lập biên bản bàn giao cho đúng quy trình. Nhưng mà anh không làm chuyện này, anh đưa lực lượng tấp nập đánh vào như lực lượng đi đánh đồn, thì anh cần phải xem xét lại”.
Trước đó, vào ngày 15 tháng 2, UBND thành phố Phan Thiết đã có chủ trương chuyển học sinh của trường Thanh Nguyên sang học tại cơ sở của Trường tư thục Lê Quý Đôn. Trong lúc chưa ổn định chỗ học cho học sinh, thì đại diện nhóm chủ nợ cùng lực lượng thi hành án và quản tài viên đã đến thông báo niêm phong tài sản nhà trường.
Khoảng 15 giờ ngày 23.3, lực lượng thi hành án và quản tài viên đến trường Thanh Nguyên thông báo niêm phong tài sản.
|
Nhiều phụ huynh cho rằng môi trường học đường chứ không như cái chợ, mọi việc đều phải thận trọng. Ông Nguyễn Hưng Thông (ở phường Hàm Tiến) có hai cháu đang học ở đây bức xúc: “Con cháu chúng tôi không phải là cái gì mà đòi mang đi chỗ này mang đi chỗ kia một cách tùy tiện được. Một điều thông minh nhất là đừng để các cháu biết, mà phải là để kết thúc năm học. Đừng để các cháu đang trong buổi chơi, buổi trại mà các cháu nhìn cái cảnh như thế”.
Sau ngày xảy ra vụ việc, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn yêu cầu Chi cục Thi hành án và TAND TP Phan Thiết đảm bảo cho học sinh trường Thanh Nguyên hoàn thành hết chương trình năm học 2016-2017. Trong những ngày tới, nếu các bên tiếp tục tự hành xử như kiểu chợ búa trong trường Thanh Nguyên sẽ khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp./.