Từ một bài toán nghĩ về phương pháp giáo dục
Có rất nhiều ý kiến bàn luận về chương trình và SGK của chúng ta. Vừa rồi học cùng cô con gái lớp 3, tôi mới thực sự thấy SGK có điều gì đó chưa ổn.
Bài toán đại để như sau: Một cửa hàng ngày thứ nhất bán được 2 con gà trống và 3 con gà mái. Ngày thứ hai bán được 4 con gà trống và 5 con gà mái. Hỏi cả hai ngày bán được bao nhiêu con gà?
Con gái tôi nhẩm ngay được tổng số gà bán trong hai ngày. Tuy nhiên đây là dạng bài toán có lời văn nên phải có lời giải và phép tính (dòng trên là lời giải và dòng dưới là phép tính toán). Trong sách kẻ sẵn 4 dòng để học sinh viết lời giải và phép tính. Theo cháu, yêu cầu của cô giáo là chỉ được phép làm trong số dòng kẻ đã kẻ sẵn trong sách. Với yêu cầu đó, tôi hướng dẫn cháu làm bài toán này bằng cách cộng gộp số gà bán trong hai ngày và dòng cuối cùng viết đáp số. Thế là vừa đủ. Song, cháu lại nói phải tính số gà đã bán của từng ngày trước khi cộng số gà bán cả hai ngày lại với nhau. Nếu thế thì số dòng kẻ trong sách không đủ.
Thế hệ chúng tôi (học lớp 3 cách đây 40 chục năm) thì giải bài toán này bằng cách tính số gà bán mỗi ngày, sau đó cộng lại. Thiết nghĩa, cách tư duy như vậy mạch lạc hơn.
Có thể chúng tôi chưa hiểu hết ý đồ của người viết sách, cụ thể hơn là người viết ra bài toán đó. Thế nhưng dẫu cho ý định của tác giả hay của cô giáo thế nào đi nữa, thì qua đây, phụ huynh chúng tôi vẫn thấy lo lắng. Cụ thể ở những điểm sau: Yêu cầu học sinh phải viết bài giải ra SGK như vậy rất bất tiện và lãng phí. Bất tiện ở chỗ giấy dùng cho SGK thấm mực nên các cháu viết bút mực vào rất bẩn vì bị nhoè. Không đủ chỗ để viết vì học sinh tiểu học không thể viết gọn ghẽ, ngay ngắn như chữ in được? Lãng phí ở chỗ SGK chỉ dùng được một lần.
Việc khống chế học sinh phải có phép tính và lời giải đúng như trong sách liệu có hạn chế sự sáng tạo của các em? Bởi ai cũng biết, nhiều bài toán có những cách giải khác nhau. Chúng ta đang khuyến khích học sinh học sáng tạo cơ mà? Tại sao lại gò ép các em vào một cách giải, một phương pháp duy nhất.
Dẫu chúng tôi thuyết phục thế nào thì cháu cũng không chấp nhận cách giải (bài toán trên) mà chúng tôi đưa ra. Lý do thật đơn giản: Cô giáo bảo không được làm như thế!
Ở đây chúng tôi chưa dám chắc những điều cháu nói là chính xác. Nhưng một vấn đề có thực, rất đáng nói là học sinh tiểu học hiện nay rất “sợ” cô giáo. Cô giáo nói gì thì nhất nhất học sinh phải làm y như thế, chệch ra là không được. Đây có phải là cách dạy phổ biến trong nhà trường hiện nay hay không? Nếu đúng như vậy thì nguy hiểm quá! Phương pháp giáo dục độc đoán lẽ ra không còn chỗ trong một thế giới thay đổi hàng ngày như hôm nay.
Ngành giáo dục đang kêu gọi thay đổi phương pháp giảng dạy. Đích thân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi không “thầy đọc trò chép”. Bản chất sâu xa của 4 chữ “thầy đọc trò chép” đâu chỉ dừng lại ở ý nghĩa từ nguyên của 4 chữ này mà ẩn ý của nó là: Thầy nói gì học sinh làm theo như thế. Một thế giới hội nhập và phát triển chắc chắn không chấp nhận những “con vẹt” chỉ biết tuân thủ những điều duy nhất và cả quyết rằng đó là những điều duy nhất đúng./.