Từ vụ Trọng Tấn - Anh Thơ bàn về phẩm chất nghệ sĩ
Thời chiến tranh, người nghệ sĩ coi nghệ thuật và tiếng hát của mình là vũ khí chống kẻ thù. Giờ đây, lẽ nào người nghệ sĩ không coi mục đích phục vụ nhân dân và đất nước là lẽ sống tối thượng của mình?
- Vụ Trọng Tấn – Anh Thơ, dư luận đa chiều
- Yêu cầu không mời Anh Thơ và Trọng Tấn biểu diễn
- Trọng Tấn: Chúng tôi đã quyết định sai lầm, non nớt
- Trọng Tấn – Anh Thơ bị tạm đình chỉ việc giảng dạy
- Tạm cấm Trọng Tấn, Anh Thơ biểu diễn
Không thể không nghĩ về khái niệm tôn quý "Phẩm chất nghệ sĩ" trước sự cố đang gây sững sờ dư luận: Hai nghệ sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ tự ý bỏ về nước không tham gia Chương trình nghệ thuật chào mừng 60 năm quan hệ hữu nghị Việt – Lào, được tổ chức ngày 18/7/2012 tại thủ đô Vientiane…
Trọng Tấn và Anh Thơ là hai nghệ sĩ được đào tạo bài bản, rất được công chúng yêu thích, đều là công chức đang giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Vậy mà họ đã từ chối nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, tự ý bỏ về nước để tham gia chương trình biểu diễn do Công an tỉnh Ninh Bình tổ chức. Ý thức trách nhiệm của ngưòi nghệ sĩ, giảng viên cũng như ý thức công dân đã phải nhường bước cho “sức hút” từ một show diễn do một ngành của một địa phương tổ chức?
Không thể nói Trọng Tấn và Anh Thơ không có đủ trình độ để nhận thức về vai trò quan trọng của mình trong chương trình âm nhạc đặc biệt này. Chương trình có tới 22 nghệ sĩ múa và 20 nghệ sĩ nhạc dân tộc tham gia, nhưng ca sĩ đơn ca chỉ có 2 người là họ. Đích thân Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL tiến cử họ để đảm bảo chất lượng chương trình. Buổi biểu diễn đêm trước (17/7) hết sức thành công, họ tham gia và được truyền hình trực tiếp. Nhưng buổi biểu diễn tiếp theo, có sự hiện diện đầy đủ của lãnh đạo cấp cao nước bạn, họ đột ngột “biến mất”. Các bạn Lào sẽ nghĩ gì khi biết họ tự ý bỏ về nước chỉ để tham gia một show diễn ở địa phương?
Anh Thơ - Trọng Tấn |
Họ kiên quyết bỏ về sau hai tiếng đồng hồ các quan chức Bộ VH-TT&DL và Trưởng đoàn nghệ thuật đang có mặt tại Vientiane ra sức thuyết phục họ ở lại vì ý nghĩa quan trọng đặc biệt của chương trình. Vì vậy, đây là sự lựa chọn của ý thức cá nhân chứ không đơn thuần chỉ là “một tai nạn nghề nghiệp” như trả lời của nghệ sĩ Trọng Tấn trên các báo. Kiên quyết từ chối một cách có ý thức yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước để tham gia một show diễn khác, liệu họ có thấy “lướng vướng” gì không sau khi hết lệnh cấm họ lại đứng trên sân khấu thể hiện sự xúc động “nghẹn ngào” cất tiếng hát ca ngợi đất nước trước cả nghìn vạn khán giả? Họ có thấy “lướng vướng” gì không trước các học trò thanh nhạc trong các buổi giảng dạy của mình? Và nữa, công chúng sẽ nghĩ gì về họ?
Bộ VH-TT&DL đã phản ứng kiên quyết. Từ Vientiane, thừa uỷ quyền của Bộ trưởng, một công điện đã được gửi đi thong báo sự việc và yêu cầu tạm cấm 2 nghệ sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ tham gia tất cả các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở cả trong và ngoài nước cũng như tạm dừng việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Công điện chỉ rõ, sai phạm ở đây là ý thức kỷ luật của người nghệ sĩ, người giảng viên và ý thức công dân đối với nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
Điều mà dư luận quan tâm lúc này không chỉ là hai nghệ sĩ sẽ bị kỷ luật như thế nào, mà cái chính là những người có trách nhiệm nghĩ gì, rút ra điều gì từ sự việc đáng tiếc này, và phải làm gì để việc tu dưỡng, bồi dưỡng phẩm chất chính trị được xem trọng đối với mỗi người nghệ sĩ, tránh những hệ luỵ trong tương lai.
Những tác động tiêu cực và sự lạnh lùng của kinh tế thị trường khiến con người có lúc có những cái nhìn quá ngắn trước hiện tại, tương lai và cả với quá khứ. Quá khứ ư? Nghệ sĩ Quốc Hương, Mai Khanh, Quang Hưng, Trần Khánh, Quý Dương… cùng bao nghệ sĩ khác đã từng lăn lộn trên mặt trận, từng hát bên mâm pháo, dưới chiến hào, trong hầm lò, trong hầm địa đạo, trong trạm phẫu tiền phương, hát dưới trời bom đạn để động viên các chiến sĩ. Làm sao có thể quên được tiếng hát của nghệ sĩ Quốc Hương từng vang khắp chiến trường Nam Bộ với bài “Tiểu đoàn 307” như một điệu kèn xung trận mà không một giọng hát nào có thể thay thế. Làm sao có thể quên hình ảnh nghệ sĩ tài hoa Quý Dương với khúc “Tình em” lãng mạn, thiết tha bên mâm pháo của trận địa phòng không trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng lịch sử. Làm sao có thể quên tiếng hát gắn bó máu thịt với người chiến sĩ của nghệ sĩ Tô Lan Phương. Một đại đội của Sư đoàn 9 Quân Giải phóng trước giờ tiến đánh Sài Gòn đã lấy tên “Đại đội Tô Lan Phương” làm tên đơn vị mình. Và nữa, ca sĩ Hoàng Nguyên được các chiến sĩ Trường Sa gọi là “Ca sĩ Trường Sa” khi anh đã 23 lần đem tiếng hát của mình đến với Trường Sa, đến với những người lính đảo…
Thời chiến tranh, người nghệ sĩ coi nghệ thuật và tiếng hát của mình là vũ khí chống kẻ thù. Giờ đây, lẽ nào người nghệ sĩ không coi mục đích phục vụ nhân dân và đất nước là lẽ sống tối thượng của mình?./.