Tuyển sinh đại học 2015: Nhọc nhằn rút, nộp hồ sơ
VOV.VN - Những đổi mới của kỳ thi năm nay yêu cầu thí sinh phải thường xuyên cập nhật thông tin, di chuyển nhiều để nộp – rút hồ sơ.
Tuy mới qua hơn nửa chặng đường của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015 nhưng đến nay, rất nhiều thí sinh đã quyết định rút hồ sơ chuẩn bị thay đổi trường học. Những đổi mới của kỳ thi năm nay yêu cầu thí sinh phải thường xuyên cập nhật thông tin, di chuyển nhiều để nộp – rút hồ sơ, tốn nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.
Rất đông thí sinh đến chờ rút hồ sơ. |
Em Giàu chia sẻ: “Đến lấy hồ sơ nhưng em không biết lấy chỗ nào, thủ tục lấy ra làm sao. Em sợ mất hồ sơ, không nộp được vào trường đại học khác. Đối với những thí sinh tỉnh như em thì rất khó khăn vì phải đón xe lên, thuê phòng trọ ở rồi trường hẹn lần hẹn lượt”.
Tâm lý thí sinh hoang mang. |
Tính đến đầu giờ chiều 12/8, số thí sinh yêu cầu rút hồ sơ tại Trường Đại học Sư phạm TP HCM đã lên đến 1.000 thí sinh trên tổng số 7.100 hồ sơ nộp vào. Tại trường này đã xảy ra tình trạng ùn ứ giống như những ngày đầu nộp hồ sơ khiến thí sinh và phụ huynh mệt mỏi, bức xúc.
Chị Trần Thị Hà, mới đưa con gái từ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng xuống TP HCM rút hồ sơ cho hay, lúc chưa xuống đây chị không nghĩ rút hồ sơ lại cực như vậy nên cảm thấy rất băn khoăn: “Từ ngày con tôi thi đến giờ cả gia đình mệt mỏi. Tôi làm nghề buôn bán mà cũng không yên. Lúc nào cũng thấy lo lắng, lúc nào cũng hoang mang. Đi lên đi xuống như vậy để một mình con đi tôi không yên tâm nên bắt buộc tôi phải bỏ công việc để đưa con đi”.
Đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM nhận vào khoảng 11.500 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 và đã có 450 thí sinh yêu cầu rút hồ sơ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, bộ phận tuyển sinh luôn tạo điều kiện để thí sinh rút hồ sơ nhanh chóng, thuận tiện nên không xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh khuyên các thí sinh nên thận trọng với những quyết định rút – nộp trong giai đoạn cao điểm này để chọn được nơi học phù hợp: “Vào thời điểm này, thí sinh cũng như người nhà thí sinh nên thường xuyên lên các trang web của các trường đại học, nơi mà các trường sẽ công bố thống kê về số lượng thí sinh đăng ký và chỉ tiêu của từng ngành một. Qua đó, với số điểm mình đang có, thí sinh có thể ước lượng khả năng trúng tuyển vào ngành mình muốn. Thí sinh nên cân nhắc giữa đam mê, sở thích của cá nhân với nhu cầu việc làm xã hội đang cần để cân đối giữa 2 phương hướng lựa chọn”.
Nhiều thí sinh đến rút hồ sơ gây sự trở ngại nhất định cho nhà trường. |
Tương tự, Trường Đại học Sài Gòn cũng tập trung mạnh nhân sự cũng như phòng ốc, máy móc phục vụ công tác nhận và giải quyết rút hồ sơ nên đến nay, mặc dù đã giải quyết cho gần 2.700 thí sinh nhưng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.
Tính đến thời điểm hiện tại, số hồ sơ nguyện vọng 1 của trường này trên 10.700 hồ sơ. Đã có sự phân công từ trước nhưng theo Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sài Gòn, trong quá trình tổ chức cho thí sinh rút hồ sơ vẫn có một số trở ngại nhất định: “Có những thí sinh đến rút hồ sơ nhưng không mang theo giấy biên nhận của trường. Không có giấy biên nhận thì sẽ không có số biên nhận để phục vụ cho việc rút hồ sơ. Trong trường hợp đó, nhà trường đã linh hoạt yêu cầu thí sinh xuất trình giấy tờ tùy thân để thực hiện việc rút hồ sơ cho các em. Trong trường hợp này, việc tìm, rút hồ sơ sẽ khó khăn hơn”.
Trước những băn khoăn, lo lắng của thí sinh và phụ huynh, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra thông báo mới cho phép thí sinh đến các sở GD-ĐT và trường THPT do Sở quy định nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển thay vì phải đến trực tiếp các trường đại học, cao đẳng như quy định trước đó. Hy vọng, với sự nỗ lực của các trường và những thay đổi kịp thời này, thí sinh sẽ bớt nhọc nhằn trong việc rút, chuyển hồ sơ./.