Tuyển sinh đại học: Cách tránh rủi ro điểm cao vẫn trượt
VOV.VN -Mỗi thí sinh có 4 nguyện vọng, do đó sẽ có rất nhiều thuận lợi, đặc biệt nguyện vọng 1 sẽ giảm hồ sơ ảo so với mọi năm.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS. Trần Duy Kiều, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên – Môi trường Hà Nội cho biết: Công tác triển khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các thí sinh, Trường đã chuẩn bị đầy đủ. Sáng 27/7, lãnh đạo Trường Đại học Tài nguyên – Môi trường đã họp phiên cuối cùng để triển khai công việc về chỉ tiêu đào tạo, các thủ tục, quy trình nhận hồ sơ…
Việc này sẽ được triển khai từ 1/8 và được đăng chi tiết trên website của trường. Mọi thông tin cơ bản trường đã đưa lên mạng từ 20/7, trong đó có thông báo về chỉ tiêu xét tuyển, điều kiện xét tuyển. “Ngày 27/7 chúng tôi họp để rà soát lại các bước tiếp nhận hồ sơ, phân công nhiệm vụ, cũng như kiểm tra lại lần cuối cùng để 1/8 chính thức bắt tay đi vào triển khai” – TS. Trần Duy Kiều nói.
Các thí sinh cần tham khảo trên website của trường để tránh rủi ro khi nộp hồ sơ (Ảnh minh họa) |
Dự kiến điểm đầu vào tăng
Nói về dự kiến điểm tuyển sinh năm nay, TS. Trần Duy Kiều cho rằng, hiện nay các thí sinh chưa nộp hồ sơ nên việc dự báo chưa có cơ sở vững chắc. Tuy nhiên so với năm ngoái, điểm ngưỡng tuyển đảm bảo chất lượng năm nay dự kiến không thấp hơn năm ngoái.
Về mặt thuận lợi trong công tác tuyển sinh năm nay, ông Trần Duy Kiều nhấn mạnh, theo phổ điểm Bộ GD-ĐT thông báo, về cơ bản, các thông tin như phổ điểm đưa ra chủ yếu từ 5 – 6,5 điểm.
Riêng với ĐH Tài nguyên – Môi trường Hà Nội xét tuyển các tổ hợp theo truyền thống cũ là khối A, A1, B, D. TS. Trần Duy Kiều nói: “Tôi cho rằng, phổ điểm như vậy không khó khăn lắm cho công tác tuyển sinh. Về mặt chủ quan, theo dự báo theo kinh nghiệm của những năm trước, tôi nghĩ không quá khó khăn trong công tác tuyển sinh”.
Làm sao để tránh rủi ro điểm cao vẫn trượt?
TS. Trần Duy Kiều chia sẻ: Năm nay, Bộ GD-ĐT đã quy định rõ ràng là các em có một phiếu dấu đỏ (nguyện vọng 1). Cho nên cơ hội của các thí sinh điểm cao khi nộp vào trường tương đối rõ ràng với so với mọi năm, vì mọi năm vẫn là con số ảo nhiều hơn.
Các thí sinh có những thông tin dự báo tin cậy và chuẩn xác hơn. Các trường thực hiện theo quy trình của Bộ GD-ĐT là 3 ngày sẽ thông tin chi tiết một lần về các hồ sơ nhập học. Do đó, các em có thể thường xuyên truy cập vào website của trường để nắm bắt thông tin.
TS. Trần Duy Kiều khẳng định: “Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi theo phương thức “2 chung”, cho nên để có đánh giá toàn diện thì Bộ sẽ có tổng kết, rút kinh nghiệm. Theo cách nhìn nhận của chúng tôi, kỳ thi này thuận lợi rất nhiều cho thí sinh.
Việc xét tuyển cũng đem đến nhiều cơ hội cho các em. Ví dụ các em có thể thay đổi nguyện vọng vào trong một trường. Các em có 4 nguyện vọng, do đó rất thuận lợi. Đặc biệt nguyện vọng 1 yêu cầu các trường thể hiện dấu đỏ, do đó hồ sơ ảo sẽ giảm so với mọi năm”.
Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT): Điểm đầu tiên thí sinh cần cân nhắc là lựa chọn ngành, trường phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển là cao nhất.
Theo đó, căn cứ vào kết quả thi của mình, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp. Hiện nay có hơn 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước, một ngành chuyên môn có thể đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau, nên các thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành yêu thích của mình.
Điểm thứ hai mà thí sinh cần phải cân nhắc là khi đưa ra quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác hay quyết tâm “bám trụ“, nhất là khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội trong số thí sinh cùng đăng ký vào ngành.
Nếu thí sinh có thể chọn được nhiều ngành phù hợp với nguyện vọng của mình trong một trường thì sẽ dễ dàng hơn trong quyết định “rút“ hồ sơ hay “bám trụ“ và cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ lớn hơn rất nhiều./.
Mỗi thí sinh sẽ được nhận 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký vào một trường đại học hoặc cao đẳng trong đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.
Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ gồm:
1- Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển (các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1-4);
2- Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi và mã vạch nhận dạng;
3- Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển cho trường có nguyện vọng vào học qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường mà thí sinh có nguyện vọng xét tuyển. Lệ phí xét tuyển 30.000 đồng/hồ sơ.
Nộp hồ sơ xét tuyển
Trong thời hạn quy định như trên, thí sinh nộp hồ sơ và phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.
Các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường Dự bị đại học được phân về trường); căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; căn cứ vào kết quả phân tích việc đáp ứng nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào các ngành của trường do máy tính cung cấp, Ban thư ký trình Hội đồng tuyển sinh trường sẽ quyết định phương án điểm trúng tuyển./.